Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong quý III và quý IV năm nay, dự kiến có gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính vụ cần tiêu thụ như xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, vải, nhãn, sầu riêng, mít, bơ...
Trong đó, các tỉnh phía bắc như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương... được mùa vải, nhu cầu tiêu thụ rất cao trong thời gian ngắn. Tỉnh Bắc Giang có hơn 29.000ha vải với sản lượng khoảng 180.000 tấn vải. Huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) có 3.265ha vải, sản lượng đạt khoảng 40.000 tấn. Tỉnh Sơn La có hơn 84.700ha cây ăn quả các loại, trong đó xoài, nhãn, chuối, mận... có sản lượng lớn.
Hà Nội với dân số hơn 10 triệu người là thị trường tiêu thụ chính mà các tỉnh hướng tới. Ngay từ quý I/2023, các tỉnh, thành phố đã triển khai công tác xúc tiến thương mại, kết nối với Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn để giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, nông sản, trái cây chính vụ.
Để hỗ trợ các địa phương, thành phố Hà Nội đã tổ chức hàng trăm sự kiện giao thương, hội chợ, tuần hàng... nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản, đặc sản.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương, Đỗ Ngọc Huy cho biết: Bình Dương sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn cho nên nhu cầu kết nối tiêu thụ nông sản rất lớn. Nông dân, doanh nghiệp Bình Dương mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương như dưa lưới Phú Giáo, bưởi da xanh Dầu Tiếng, cam sành Bắc Tân Yên...
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sơn La, Đỗ Thị Bích Châu cho biết: Trong kế hoạch tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2023, tỉnh Sơn La sẽ tổ chức Tuần lễ thương mại, nông sản, đầu tư tỉnh Sơn La tại thành phố Hà Nội với chủ đề “Sơn La trong lòng Hà Nội”...
Nhiều sản phẩm có thế mạnh của các địa phương đã được các doanh nghiệp phân phối lớn của Hà Nội như Aeon, Central Retail, MM Mega Market... tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì, đưa vào kênh phân phối hiện đại tiêu thụ, không chỉ trên thị trường Hà Nội, mà còn mở ra cơ hội vào hệ thống phân phối nước ngoài tại Nhật Bản, Thái Lan...
Mới đây, Tập đoàn Central Retail đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác tiêu thụ vải thiều mùa vụ năm 2023 với tỉnh Bắc Giang, với mục tiêu tiêu thụ khoảng 300 tấn vải qua chuỗi hệ thống GO!, Big C, Tops Market và xuất khẩu sang Thái Lan.
Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, nhiều tháng qua, đội ngũ thu mua của Central Retail thường xuyên có mặt ở tỉnh Bắc Giang nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung cấp của tỉnh về điều kiện, thủ tục, giấy tờ để đưa sản phẩm vải thiều và các nông sản khác vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị của đơn vị. Central Retail còn đẩy mạnh hợp tác với các trang thương mại điện tử và thông qua các ứng dụng GO!, Big C, Tops Market để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều trên kênh bán hàng trực tuyến.
Các sản phẩm nông sản, trái cây chính vụ thu hoạch của các địa phương được các siêu thị, kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội ưu tiên bày ở những vị trí đẹp, thuận tiện để thu hút người tiêu dùng. Ông Nguyễn Anh Phương - Trưởng phòng Điều hành vùng khu vực miền bắc, Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam chia sẻ, bày hàng hóa vị trí đẹp sẽ làm tăng nhận diện sản phẩm, giúp tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng.
MM Mega Market tích cực tổ chức các Hội chợ nông sản để bán các sản phẩm nông sản, trái cây không lợi nhuận, bằng hình thức bán ngay trên xe tải của hộ nông dân, doanh nghiệp chở hàng đến trung tâm, hoặc bán ở các khu vực phía ngoài siêu thị như tại điểm MM Mega Hà Đông hoặc MM Mega Hoàng Mai. Thông qua đó, hàng hóa dễ dàng tiếp cận người dân.
Đại diện Công ty MM Mega Market Việt Nam đánh giá, cái khó của trái cây mùa vụ là thời gian thu hoạch ngắn, tạo áp lực lớn cho các đơn vị tham gia vào chuỗi cung ứng, bảo quản và doanh nghiệp bán lẻ.
Do đó, các đơn vị phải có kế hoạch sẵn sàng, kỹ càng để bảo đảm hàng hóa của các hộ nông dân và hợp tác xã sản xuất ra được tiêu thụ trong hệ thống. Khó khăn là thế nhưng người tiêu dùng dành nhiều tình cảm cho nông sản nội địa. Cụ thể, tăng trưởng hàng Việt Nam tại siêu thị đều đặn đạt từ 17-20%/năm; riêng nông sản mùa vụ đạt từ 50-100%/năm.
Để việc hỗ trợ, tiêu thụ nông sản, trái cây đạt hiệu quả cao, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp phân phối, theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý, từng bước nâng cao kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, sơ chế, đóng gói, vận chuyển... để hàng hóa vẫn bảo đảm chất lượng khi tới tay người tiêu dùng.