Nhiều năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, Hội Người khuyết tật của 30 quận, huyện, thị xã và các tổ chức, doanh nghiệp, xây dựng các giải pháp nhằm hỗ trợ người khuyết tật tìm kiếm cơ hội việc làm. Trung tâm đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và các phiên lưu động tại các quận, huyện; tổ chức các chương trình tư vấn tập trung về chính sách pháp luật lao động và kỹ năng tìm kiếm việc làm; xây dựng mạng lưới doanh nghiệp, đơn vị sẵn sàng cung cấp dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật…
Đến nay Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức được 102 phiên giao dịch việc làm có tuyển dụng lao động là người khuyết tật. Trung tâm đã tư vấn cho 7.185 lượt người khuyết tật về chính sách pháp luật lao động, việc làm; tư vấn định hướng nghề nghiệp cho 744 người khuyết tật và giới thiệu việc làm cho 2.457 người khuyết tật. Cùng với đó, Trung tâm đã tham gia đào tạo được cho Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội hơn 45 tư vấn viên đồng cảnh về kỹ năng tìm kiếm việc làm và xây dựng kế hoạch tìm việc. Hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sẵn sàng hỗ trợ người khuyết tật.
Với những nỗ lực trong quá trình triển khai, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã góp phần hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật trong việc tìm kiếm việc làm, thụ hưởng các dịch vụ hỗ trợ. Tuy nhiên, theo thống kê của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, hiện có khoảng 70% người khuyết tật trong độ tuổi lao động đang có nhu cầu tìm việc vẫn chưa có cơ hội có được việc làm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc vì thiếu kỹ năng, kiến thức, thậm chí vấn đề tâm lý tự ti, mặc cảm cũng là một rào cản hạn chế cơ hội tìm kiếm việc làm của họ. Mặt khác, dù Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người khuyết tật, nhưng các công ty lại không mặn mà vì thiếu những chính sách, cơ chế hỗ trợ lao động là người khuyết tật và hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật.
Để người khuyết tật có thêm cơ hội tiếp cận và có việc làm, theo các chuyên gia, cần đồng thời hoàn thiện các khung pháp lý đối với người khuyết tật và các doanh nghiệp sử dụng người lao động khuyết tật. Theo đó, các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ về thuế, tiếp cận vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi về đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người khuyết tật, đào tạo việc làm, đa dạng hóa sinh kế bền vững cho người khuyết tật, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.