Hỗ trợ tạo việc làm cho lao động trở về quê từ vùng dịch

NDO -

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, cần tập trung triển khai các chính sách, như chính sách giảm nghèo, chính sách cho vay, cũng như Quỹ quốc gia về việc làm để hỗ trợ người lao động trở về quê có thể ổn định, tìm được công việc mới ở địa phương.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 10/11. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 10/11. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Chiều 10/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) về chính sách hỗ trợ người dân từ các trung tâm công nghiệp trở về quê tránh dịch, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, số lượng lao động về quê vừa qua tương đối lớn. Dù có ý kiến khác nhau về số liệu, nhưng qua tổng kết báo cáo của 63 địa phương, con số chính thức là khoảng 1,3 triệu người.

Trong số đó, khoảng 30% lao động có nhu cầu quay trở lại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam làm việc, và 30% muốn chuyển sang lĩnh vực khác ở các địa bàn khác. Còn lại phần đông muốn ở lại quê, nhưng trong số này, chỉ có khoảng 40% muốn có công ăn việc làm tại quê.

Theo Bộ trưởng, nhiều giải pháp đã được đưa ra để hỗ trợ nhóm đối tượng này sớm ổn định cuộc sống. Cụ thể, các địa phương đã chủ động liên kết, kết nối với địa phương khác, thậm chí ngay trong vùng, để giới thiệu việc làm. Chẳng hạn như Thanh Hóa đã đã giới thiệu một loạt người lao động về quê đi làm việc ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Riêng Bắc Giang đã tăng hơn 50 nghìn lao động so với thời điểm trước dịch, chủ yếu là do lao động về quê từ các vùng dịch di chuyển sang làm việc tại Bắc Giang.

Ngoài ra, một số địa phương đã chủ động tạo việc làm tại chỗ cho người dân trở về quê, trong đó các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị tiếp nhận toàn bộ công nhân nghề may và một số ngành nghề khác về làm việc tại địa phương mình.

“Đồng thời, chúng tôi nghĩ rằng cần tập trung triển khai các chính sách, như chính sách giảm nghèo, chính sách cho vay, Quỹ quốc gia về việc làm để hỗ trợ người lao động có thể ổn định, tạo công việc mới ở địa phương”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Liên quan đến Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ cho lao động tự do, Bộ trưởng nêu rõ, rút kinh nghiệm Nghị quyết 42, trong Nghị quyết 68, Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo phải tạo ra sự linh hoạt cho địa phương.

Vì vậy sau khi khảo sát, đánh giá, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra đề xuất chính sách nhóm 12, đó là Chính phủ chỉ quy định sàn mức hỗ trợ cho lao động tự do, còn đối tượng hưởng mức trên mức đó thì do địa phương quyết định trên cơ sở ngân sách cũng như đối tượng cụ thể của mình.

Theo Bộ trưởng, năm 2000 chỉ hỗ trợ được 1 triệu lao động tự do, nhưng với Nghị quyết 68, 56 địa phương báo cáo đã hỗ trợ cho 12,99 triệu lượt lao động với mức kinh phí lên đến 16.990 tỷ đồng.

Giải đáp thắc mắc của đại biểu về việc có nơi lao động tự do được nhận hỗ trợ, có nơi thì không, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay điều này phụ thuộc vào quy định chính sách, ngân sách của từng địa phương, đối tượng đó có nằm trong nhóm mà địa phương đó quy định là lao động tự do hay không. Ngoài ra, một số địa phương ngân sách dự phòng không còn, do đó chưa hoặc chậm hỗ trợ lao động tự do.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV