Ngày 8/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả sản xuất vụ đông 2020 và triển khai kế hoạch vụ đông 2021 các tỉnh phía bắc.
Theo Cục Trồng trọt, vụ đông 2020, các tỉnh phía bắc gieo trồng 375 nghìn ha, mặc dù ảnh hưởng của thiên tai, tác động của dịch Covid-19, giá vật tư phục vụ sản xuất cao… nhưng kết quả đạt được vẫn tốt.
Thu nhập bình quân trên 1 ha tăng
Qua thống kê, tổng sản lượng cây trồng vụ đông 2020 đạt 4.565 nghìn tấn, tăng 110 nghìn tấn so với vụ đông 2019. Cây trồng có sản lượng tăng chủ yếu là rau tăng 65 nghìn tấn, ngô tăng 66,3 nghìn tấn, khoai tây tăng 6 nghìn tấn các cây còn lại đều giảm sản lượng như: đậu tương giảm 2,3 nghìn tấn, khoai lang giảm 31 nghìn tấn.
Giá trị cây vụ đông vẫn được bảo đảm với 32.628 tỷ đồng; mỗi ha bình quân đạt 84,3 triệu đồng, tăng 3,1 triệu đồng so với vụ đông 2019.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới giá trị thu nhập cây trồng vụ đông 2020 cao do đã có sự chuyển dịch cơ cấu từ cây trồng chịu áp lực về thời vụ, giá trị kinh tế thấp như đậu tương, lạc, khoai lang sang cây trồng có giá trị cao hơn như: nhóm hoa cây cảnh, cây dược liệu; nhóm rau ăn củ, ăn quả rau chất lượng cao; ngô thực phẩm phục vụ ăn tươi, ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi...; sản xuất trong nhà màn, nhà lưới gắn với sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) có thị trường đầu ra ổn định, trồng rải vụ.
Hơn nữa, sản phẩm nhóm rau các loại duy trì được giá bán cao ngay từ đầu vụ đến cuối vụ đã góp phần gia tăng thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích gieo trồng.
Đặc biệt, vụ đông 2020, hầu hết các tỉnh đã quan tâm, tập trung chỉ đạo sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi, trong đó có sự tham gia tích cực của hợp tác xã (HTX), các hội, hiệp hội đã góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Trong đó, Ninh Bình có 35 doanh nghiệp, cửa hàng nông sản trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm với 65 HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Tổng diện tích sản xuất là 4.576 ha, sản lượng gần 95 nghìn tấn với hơn 20 loại nông sản, thực phẩm.
Còn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, một số huyện đang hình thành vùng sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu với sự tham gia của nông dân và HTX. Năm 2020, nhiều mô hình được đầu tư quy mô, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất như: nhà màng, nhà lạnh, nhà kín được trang bị hệ thống điều chỉnh tự động về nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, gió, trang bị máy móc, thiết bị cơ giới trong xử lý nguyên liệu, cấy giống, chăm sóc, thu hái...
Tỉnh Lào Cai có 22 doanh nghiệp, HTX, trung tâm dịch vụ nông nghiệp đăng ký và thực hiện tham gia liên kết sản xuất tại 8 huyện/thị xã/thành phố… với tổng diện tích liên kết đạt 812 ha, tổng sản lượng đạt 9.209 tấn, tổng giá trị sản xuất đạt 91.088 triệu đồng, giá trị canh tác bình quân/ha các mô hình liên kết đạt 112,2 triệu đồng (cao hơn giá trị bình quân 26,9 triệu đồng/ha).
Bảo đảm kế hoạch sản xuất trước diễn biến dịch Covid-19
Dự kiến, vụ đông năm 2021, các địa phương phía bắc giữ ổn định diện tích khoảng 400 nghìn ha và sản lượng 4,6 triệu tấn. Trong đó, tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Phấn đấu giá trị đạt khoảng 34 đến 35 nghìn tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 85 triệu đồng/ha.
Phó Cục trưởng Trồng trọt Trần Thị Hòa cho rằng, vụ đông 2021 có thêm thuận lợi từ thị trường Trung Quốc. Do một số địa phương ở Trung Quốc bị lũ lụt nặng, diện tích đất nông nghiệp cũng như cây trồng bị thiệt hại lớn chưa thể khắc phục kịp nên khả năng sản xuất sẽ giảm dẫn đến nhu cầu nhập khẩu có thể tăng cao. Đây là cơ hội tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản vụ đông cho các địa phương phía bắc.
Hơn nữa, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến sản xuất một số địa phương trong nước, thế giới nên nguồn cung giảm. Trong khi đó nhiều địa phương phía bắc khống chế dịch Covid-19 khá tốt nên sản xuất nông nghiệp, lưu thông hàng hóa ở trạng thái bình thường.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đề nghị, các địa phương cần xây dựng phương án cơ cấu cây ưa ấm, ưa lạnh cụ thể, đặc biệt tăng mạnh cây trồng giá trị cao trong vụ đông năm nay. Đồng thời, tăng diện tích cây sinh khối làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ vì hiện nay nhu cầu thức ăn gia súc rất cao.
Trước mắt, các địa phương cần đẩy nhanh thu hoạch lúa mùa, hè thu để giải phóng đất sớm nhằm gieo trồng cây vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, vụ đông 2021, tỉnh phấn đấu gieo trồng 45.000 ha cây vụ đông. Tuy nhiên, tỉnh hình dịch Covid-19 vẫn diến biến phức tạp khả năng ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm nông sản. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh đang đề nghị các địa phương chú ý trồng rải vụ đối với cây rau; mở rộng diện tích cây trồng có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định, ưu tiên các sản phẩm tiêu thụ, chế biến nội địa…
Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho rằng, vụ đông xác định là vụ sản xuất quan trọng đối với tăng trưởng của toàn ngành cho năm tiếp theo, vì vậy các địa phương cần xác định rõ đối tượng cây trồng, cơ cấu giống cần tập trung phát triển, mở rộng diện tích gieo trồng, các biện pháp kỹ thuật, chế biến phù hợp để tập trung chỉ đạo.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng căn cứ vào kế hoạch chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông linh hoạt, thích ứng với tình hình diễn biến của dịch Covid-19, theo các kịch bản: tình trạng bình thường mới, giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện triệt để các chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vận chuyển, lưu thông hàng hóa không để xảy ra tình trạng ngăn sông cấm chợ. Tăng cường liên kết, đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, thương mại điện tử, chợ online, tham gia xây dựng diễn đàn kết nối cung cầu trong nội tỉnh, theo vùng và toàn quốc.
Đẩy mạnh sản xuất rau ở những vùng quy hoạch, vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến, có thị trường đầu ra tốt, ổn định. Sản xuất rau có đăng ký bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao giá trị thu nhập đối với người sản xuất rau, góp phần bảo đảm an sinh xã hội…