Hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp vượt khó

Từ ngày 1/8, nhiều loại hàng hóa xuất, nhập khẩu được miễn, giảm phí hạ tầng cảng biển theo nghị quyết vừa được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua. Thông tin này được nhiều doanh nghiệp tại thành phố đồng tình đón nhận vì hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp vượt khó.
0:00 / 0:00
0:00
Bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa tại Cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh).
Bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa tại Cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 về ban hành mức thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều loại hàng hóa xuất, nhập khẩu được miễn, giảm phí. Cụ thể, thành phố miễn thu phí với hàng nhập khẩu phục vụ trực tiếp an ninh, quốc phòng; bảo đảm an sinh, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; gửi kho ngoại quan; quá cảnh; ra vào cảng bằng các tuyến đường thủy theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy.

Ngoài ra, thành phố giảm 50% mức phí đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển vào cảng và rời cảng bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy. Đặc biệt, mức phí áp dụng đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu mở tờ khai tại Thành phố Hồ Chí Minh hay địa phương khác cũng được điều chỉnh cùng một mức thu.

Trước đó, sau nhiều lần điều chỉnh lùi thời điểm thu, từ ngày 1/4/2022, Thành phố Hồ Chí Minh chính thức thu phí hạ tầng cảng biển với mức phí thấp nhất 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng không đóng trong container và cao nhất lên đến 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet.

Cụ thể, hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng quá cảnh đối với container 20 feet mức thu phí là 2.200.000 đồng/container, loại 40 feet là 4.400.000 đồng/container, hàng lỏng, hàng rời 50.000 đồng/tấn. Hàng gửi kho ngoại quan, hàng chuyển khẩu được đưa vào kho bãi thuộc các cảng biển thành phố loại container 20 feet mức phí là 500.000 đồng/container, loại 40 feet là 1.000.000 đồng/container… Thành phố ước tính mỗi năm sẽ thu được khoảng 3.000 tỷ đồng.

Trong 5 năm, thành phố sẽ thu được 15.000 tỷ đồng, tương ứng với 16% tổng nhu cầu vốn cần để đầu tư bổ sung cho các dự án cải tạo, tăng cường năng lực, hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực quanh cảng nhằm giảm áp lực giao thông và hỗ trợ giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước và sau khi triển khai thu phí, nhiều doanh nghiệp và Hiệp hội phản ứng, bày tỏ sự không đồng tình vì mức phí không công bằng khi mở tờ khai trong, ngoài Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, tạo thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ để phục hồi sản xuất.

Các Hiệp hội doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này với UBND Thành phố Hồ Chí Minh trình Chính phủ về việc giảm thuế, phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Vì thế, quyết định điều chỉnh miễn, giảm 50% phí cảng biển được các doanh nghiệp rất hoan nghênh cho dù theo tính toán của Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, việc giảm 50% phí hạ tầng cảng biển với hàng chở bằng đường thủy và giảm mức thu đối với hàng mở tờ khai tại các địa phương khác sẽ khiến thành phố giảm thu gần 900 tỷ đồng mỗi năm. Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HBA) chia sẻ: Thông tin thành phố giảm phí hạ tầng cảng biển được doanh nghiệp đón nhận rất tích cực vì nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Thực ra, nếu nguồn kinh phí doanh nghiệp đóng góp được sử dụng hiệu quả để chỉnh trang, xây dựng hệ thống hạ tầng, giao thông vào khu vực cảng được thuận lợi hơn thì doanh nghiệp rất đồng tình, ủng hộ chủ trương này. Tương tự, ông Trần Văn Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thể thao Ngôi Sao Geru cho biết: Việc giảm phí hạ tầng cảng biển giúp chúng tôi tiết kiệm thêm chi phí giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh hàng hóa. Hằng tháng, công ty sản xuất trung bình khoảng 90.000-100.000 quả bóng thể thao, trong đó 65% số sản phẩm xuất khẩu đi các nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu…

Vào dịp cuối năm, các đơn hàng xuất khẩu thường tập trung nhiều hơn. Công ty đang tính tổ chức thêm một ca sản xuất nữa để đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Phần lớn doanh nghiệp vừa gượng dậy sau dịch cho nên rất cần sự hỗ trợ. Đồng tình với quan điểm trên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để giảm chi phí logistics, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào. Theo ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Tân Phú, phí hạ tầng cảng biển giảm cùng giá xăng giảm giúp cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước để phục hồi sản xuất.

Tuy nhiên, chi phí logistics đang ở mức quá cao; chi phí nguyên liệu đầu vào cũng tăng mạnh khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, giảm phí hạ tầng cảng biển mới chỉ là phần nhỏ, doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa để sớm khôi phục, phát triển.

Mặc dù việc điều chỉnh mức phí hạ tầng cảng biển có thể ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư hạ tầng, nhưng thành phố vẫn đặt mục tiêu phát triển bền vững cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, với mức thu phí mới, mỗi năm nguồn thu từ phí hạ tầng cảng biển của thành phố sẽ giảm khoảng 900 tỷ đồng, tương ứng giảm 30%, khiến kế hoạch đầu tư hạ tầng sẽ phải điều chỉnh kéo dài thời gian hơn so dự kiến. Tuy nhiên, để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giúp kinh tế phát triển bền vững.