Sáng 29-10, tại Hà Nội, Tổ chức CARE, Mastercard, VPBank, Sáng kiến Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh (WISE) và Tổ chức công nghệ Canal Circle chính thức công bố sáng kiến “Thắp lửa” tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu nâng quyền của các nữ chủ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trọng yếu này; đồng thời, bảo đảm an ninh tài chính và tăng trưởng bao trùm, thông qua các can thiệp đặc thù nhằm hỗ trợ nữ doanh nhân phát triển kinh doanh.
Sáng kiến sẽ tiếp cận khoảng hơn khoảng 50 nghìn doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam, hỗ trợ nữ doanh nhân tiếp cận các công cụ phù hợp để số hóa doanh nghiệp và đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Tại Việt Nam, phụ nữ làm chủ khoảng 27% tổng số doanh nghiệp chính thức trên thị trường. Theo Chỉ số Nữ doanh nhân của Mastercard công bố mới đây, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Việt Nam cũng đạt điểm số tương đối cao ở một số chỉ số như chỉ số bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, tiếp cận tài sản và kiến thức tài chính.
Bà Từ Thu Hiền, Giám đốc điều hành WISE cho biết, trên thực tế, số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ngày càng tăng trong những năm gần đây. Điều này cho thấy sự gia tăng vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo và quản trị kinh doanh, hay năng lực ảnh hưởng của phụ nữ Việt Nam cũng không kém lãnh đạo nam giới.
Tuy nhiên, tỷ lệ “sợ thất bại” trong cộng đồng nữ doanh nhân Việt khá cao, cho thấy tình trạng dễ bị tổn thương tiềm ẩn có khả năng cản trở tiến bộ và có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn do tác động của đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ làm chủ doanh nghiệp cao, các nữ doanh nhân gặp không ít rào cản về định kiến xã hội, định kiến giới và nghi ngại về khả năng chèo lái doanh nghiệp thành công. Có quan điểm cho rằng, phụ nữ không thể chu toàn giữa công việc gia đình và kinh doanh, phụ nữ thường né tránh rủi ro một cách tiêu cực, khả năng trả nợ vay của phụ nữ kém, hay họ không có đủ kiến thức và kỹ năng kinh doanh.
Đại dịch Covid-19 càng khiến các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do nữ làm chủ dễ bị tổn thương trên phương diện tài chính, doanh thu sụt giảm, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại và vận tải. Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã chuyển đổi mô hình kinh doanh, thích nghi và tận dụng cơ hội từ sự thay đổi trong hành vi của khách hàng trong bối cảnh đại dịch.
Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc điều hành Canal Circle nhấn mạnh sự cần thiết của việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các yêu cầu kinh doanh của doanh nhân nữ. Điều này càng quan trọng hơn cho doanh nhân nữ ở vùng nông thôn do hạ tầng kém phát triển hơn và thiếu cơ hội tiếp cận kiến thức công nghệ. Theo bà Hà, Canal Circle sẽ làm việc với các tổ chức tài chính vi mô và các quỹ tín dụng nhân dân nhằm giúp đỡ doanh nhân nữ vùng nông thôn tiếp cận các nguồn tài chính trong khả năng chi trả thông qua công nghệ, qua đó bảo đảm các cơ hội tốt hơn cho phát triển hay phục hồi việc kinh doanh bị gián đoạn bởi dịch bệnh.
Với kinh nghiệm triển khai hỗ trợ phụ nữ trên toàn cầu, bà Lê Kim Dung, Giám đốc CARE Việt Nam nhận định, việc hỗ trợ phụ nữ làm kinh doanh là con đường trọng yếu giúp nâng quyền kinh tế cho đối tượng này. Thông qua các các công cụ và nguồn cung tài chính, sáng kiến “Thắp lửa” được kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ, giúp xây dựng khả năng tự vững của doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy phục hồi kinh tế một cách toàn diện và công bằng hơn.
Sáng kiến này là một phần trong dự án hợp tác kéo dài ba năm giữa CARE và Mastercard, với mục tiêu hỗ trợ 3,9 triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam, Peru và Pakistan. Hợp tác nằm trong khuôn khổ cam kết chung giữa các bên về tài chính toàn diện và nâng quyền kinh tế phụ nữ.
Trước đó, hai bên đã hợp tác cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật cho 1 nghìn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhằm hỗ trợ phục hồi sau đại dịch Covid-19, hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững trong dài hạn.