Bài 2: Tạo “bệ đỡ” cho người trẻ
Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả sẽ tiếp tục nuôi dưỡng ý chí khởi nghiệp trong giới trẻ. Đặc biệt, với những “bệ đỡ” hiệu quả, tỷ lệ thành công của các dự án khởi nghiệp cũng sẽ được nâng cao hơn.
Còn nhiều dư địa về khởi nghiệp
Với nguồn nhân lực dồi dào, nhiều dư địa, tiềm năng để lập thân, lập nghiệp, giới trẻ Thành phố Hồ Chí Minh luôn có nhiều niềm đam mê sáng tạo, làm chủ bản thân thông qua những ý tưởng, dự án để vừa làm giàu cho bản thân, vừa đóng góp trực tiếp vào quá trình xây dựng và phát triển thành phố. Trong một khảo sát về nhu cầu vay vốn với 1.300 thanh niên, thì có 1.291 (98%) người được hỏi cho rằng, nguồn vốn là cần thiết và quan trọng trong quá trình khởi nghiệp.
Thông tin từ khảo sát này cũng cho thấy, các mô hình kinh doanh và lĩnh vực khởi nghiệp cụ thể có tổng nhu cầu vốn lên đến 372 tỷ đồng. Trong đó, số vốn trung bình cần để phát triển một dự án là 272 triệu đồng. Thành phố Hồ Chí Minh hiện chiếm hơn 50% startup của cả nước. Điều đó một lần nữa khẳng định mức độ “chịu chơi” và sự dấn thân của người trẻ thành phố.
Để phong trào phát triển mạnh hơn nữa, Thành phố Hồ Chí Minh vừa phát động phong trào “Thanh niên thành phố khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo” giai đoạn 2023-2027. Hướng đến đối tượng thực hiện thi đua là học sinh, sinh viên, giới trẻ, các doanh nhân, phong trào thi đua hướng đến mục tiêu: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thanh niên khởi nghiệp; tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho ít nhất 300 nghìn thanh thiếu niên/năm; nâng quy mô nguồn Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp lên 300 tỷ đồng.
Hỗ trợ vay vốn 2.000 tỷ đồng cho thanh niên phát triển kinh tế; hỗ trợ 800 dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của thanh niên (700 dự án khởi nghiệp, 100 dự án đổi mới sáng tạo của thanh niên). Thành phố cũng phấn đấu đến năm 2027, có ít nhất 30% số ý tưởng, dự án khởi nghiệp được kết nối, hỗ trợ từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư. Là địa phương năng động, dư địa để thanh niên thành phố đạt được mục tiêu này là rất lớn nếu công tác tổ chức thực hiện được triển khai bài bản, hiệu quả.
Kế hoạch của thành phố là rất cụ thể; cộng đồng khởi nghiệp, nhất là giới trẻ cũng rất hào hứng với các ý tưởng ấp ủ để biến ước mơ “làm chủ bản thân” trở thành hiện thực. Tuy nhiên, quá trình này thực tế còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.
Nhiều dự án khởi nghiệp đang thiếu chính sách hỗ trợ phát triển ý tưởng thành sản phẩm cụ thể. Các nội dung này hiện chủ yếu là ở mức khích lệ, động viên, hỗ trợ chung chung. Trong khi doanh nghiệp lại chưa mặn mà đầu tư do yếu tố rủi ro cao. Đứng ở góc độ pháp lý, Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc Công ty An Luật cho rằng, khung pháp lý của các dự án ở dạng ý tưởng chưa thuộc sự bảo hộ của pháp luật, bởi các dự án này chưa phải là doanh nghiệp về mặt thủ tục giấy tờ. Hành trình khởi nghiệp cũng được cảnh báo là nhiều chông gai và khó khăn rất nhiều so với những gì giới trẻ chứng kiến.
Về tỷ lệ thất bại rất lớn (hơn 90%) trong khởi nghiệp, ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch câu lạc bộ Doanh nhân trẻ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, môi trường kinh doanh có nhiều thách thức, biến động cộng với việc nhiều nhiều bạn trẻ chưa hội tụ đủ các yếu tố về kiến thức, kỹ năng quản lý, nhiều bạn trẻ chưa biết được thời điểm “chín muồi” để khởi nghiệp. Việc thất bại này cũng gây những tác động tiêu cực về tinh thần, tài chính, xã hội,... đối với các startup.
Cần chính sách hỗ trợ hiệu quả
Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 50 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp hoạt động dưới dạng trung tâm, vườn ươm,... trực thuộc Nhà nước, một số đơn vị do tư nhân thành lập. Anh Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Hội sẽ tiếp tục duy trì, phát triển các chương trình, đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, đồng thời mở rộng các không gian, môi trường thuận lợi để tập hợp và hỗ trợ thanh niên trong lập thân, lập nghiệp. Nhấn mạnh về triển khai hoạt động này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, thành phố cũng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tuổi trẻ thành phố được khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của thành phố.
Theo ông Phạm Phú Trường, một người trẻ muốn khởi nghiệp cần nỗ lực tích lũy kiến thức, trau dồi kỹ năng. Đây cũng là điều kiện tiên quyết. Thứ hai là xác định chúng ta có gì và chưa có gì để từ đó tìm ra điểm yếu, điểm mạnh của mình để tìm hướng giải quyết. Ở góc nhìn chuyên gia, Tiến sĩ Phan Gia Hoàng, Trưởng khoa Phát triển khởi nghiệp Trường đại học FPT cho rằng, để khởi nghiệp thành công, giới trẻ cần đưa ra được ý tưởng độc đáo và khả thi. Đây là yếu tố cốt lõi để thành công. Các bạn trẻ cũng phải học kỹ năng quản lý và lãnh đạo, giao tiếp và xây dựng mối quan hệ, kỹ năng quản lý tài chính,... Ngoài ra, việc kiên trì và sáng tạo cũng tác động rất lớn bởi đây là một quá trình dài và đầy thử thách. Giới trẻ cần có tinh thần tự tin, dám thất bại để phát triển dự án của mình.
Nhằm tạo ra những “bệ đỡ” hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp, Tiến sĩ Phan Gia Hoàng cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp cần giải quyết bài toán thiếu vốn đầu tư cho các startup. Hiện số vốn thu hút đầu tư cho các startup vẫn còn rất thấp. Riêng nguồn quỹ của Quỹ Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp hiện cũng chỉ mới giải ngân được 70 tỷ đồng. Các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vẫn đang tập trung vào huấn luyện, đào tạo; kết nối liên kết hệ sinh thái; ươm tạo các dự án...
Các chính sách thuế ưu đãi là một trong những biện pháp hỗ trợ khác, nhưng theo thống kê, tính đến năm 2020, chỉ có khoảng 1% số doanh nghiệp tại Việt Nam được hưởng các chính sách thuế ưu đãi. Các cơ quan, đơn vị cũng cần tăng cường đào tạo và hỗ trợ nhân lực cho các startup. Chương trình cần có sự hợp tác giữa các trường đại học và các doanh nghiệp. Ngoài ra, việc tạo ra các cộng đồng khởi nghiệp mạnh mẽ cũng là giải pháp để hỗ trợ các startup phát triển khi cộng đồng này sẽ kết nối với những người có kinh nghiệm và tìm kiếm các cơ hội hợp tác.
Việc tăng cường liên kết giữa các startup và các công ty lớn cũng là giải pháp mang tính bền vững. Hiện chỉ có khoảng 8% các doanh nghiệp tại Việt Nam có liên kết với các công ty đa quốc gia. Điều này cho thấy, các startup tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa tận dụng được những cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp lớn để phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường.
Trong lĩnh vực công nghệ cụ thể, CEO Trần Viết Quân cho rằng, đặc thù của lĩnh vực này là công nghệ luôn luôn rất nhanh so với cuộc sống nên Nhà nước cần có các chính sách đặc thù rõ ràng và dễ thực thi để có cơ chế phát triển. Hiện tại các chính sách hỗ trợ vốn từ vườn ươm hay các giai đoạn của startup thì vai trò Nhà nước vẫn rất khiêm tốn… Rất nhiều startup không thể tìm kiếm khoản vay ưu đãi hay chính sách tài trợ vốn tốt như một số quốc gia trên thế giới nên tỷ lệ startup có thể vượt qua giai đoạn khởi nghiệp ban đầu là rất ít.
Từng đồng hành với nhiều dự án khởi nghiệp của giới trẻ, bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cho rằng, một startup cần hiểu tính hiệu quả về mặt kinh tế, tài chính của dự án. Tiếp đó, bạn cần xây dựng được đội ngũ tốt.
Đây là yếu tố quan trọng quyết định gần như mọi thành công của dự án. Ngoài ra, sản phẩm của bạn phải có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với xu hướng, có thị trường đủ lớn. Quá trình đồng hành, chúng tôi luôn kỳ vọng bên cạnh việc lan tỏa những điều tích cực, khởi nghiệp trong thanh niên còn mang thông điệp xây dựng tinh thần cho và nhận để nhân lên niềm tin, ý chí đối với các thế hệ startup tiếp theo, từ đó tạo ra cộng đồng khởi nghiệp bền vững, góp phần xây dựng thành phố phát triển rực rỡ.
(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 30/5/2023.