Không ít trở ngại
Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Huỳnh Minh Tú cho biết: Năm 2023 là năm khó khăn đối với nền kinh tế thế giới và cả nước nói chung, trong đó có thành phố. Trong bối cảnh đó, ngành công thương thành phố đã bám sát quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Công thương và thành phố, chủ động tổ chức triển khai thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm.
Nhờ đó, ngành công thương đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động mọi nguồn lực cho nên hoạt động của ngành đã đạt được một số kết quả tích cực, nhất là lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) năm 2023 tăng 4,3% so với năm 2022. Trong đó, bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng 6% (ngành hóa dược tăng 19,4%; ngành cơ khí tăng 6,7%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 5,6%; ngành chế biến lương thực và thực phẩm giảm 6,4%).
Lĩnh vực thương mại và dịch vụ cũng đạt mức tăng trưởng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đạt hơn 1,19 triệu tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt gần 698.000 tỷ đồng, chiếm 58,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 11,6%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 43,48 tỷ USD, giảm 8,64%; kim ngạch nhập khẩu đạt 56,73 tỷ USD, giảm 9,81% so với năm 2022.
Trước tình hình còn nhiều khó khăn, để hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2024 có thể thuận lợi hơn, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố (Huba) đã kiến nghị lãnh đạo thành phố nhiều vấn đề. Thứ nhất, thành phố cần triển khai mạnh mẽ việc thực thi Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó, thành phố cần đẩy mạnh đầu tư công, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được tham gia dự thầu các dự án đầu tư công và được vay vốn từ chương trình kích cầu; thành lập tổ công tác xét duyệt các dự án đầu tư và có cơ chế để doanh nghiệp đầu tư dự án tại các tỉnh theo các chương trình liên kết vùng, các dự án chuyển tiếp được tham gia chương trình kích cầu. Cùng với đó, có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tại các nhà máy, xí nghiệp, dự án... để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức hoặc cá nhân khác, nhưng được nối lưới với hệ thống điện quốc gia.
Thứ hai, có giải pháp đón nhận dòng dịch chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); sớm thực hiện chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất sắp hết thời hạn đầu tư; ban hành giá đất khu công nghiệp, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục pháp lý, ổn định sản xuất, kinh doanh.
Tiếp đó, thành phố cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, quảng bá và giới thiệu hàng hóa xuất khẩu, mở rộng thị trường và tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước với cộng đồng quốc tế.
Song song đó, thành phố cần hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động kinh doanh; sớm xây dựng bộ cơ sở dữ liệu dùng chung cho từng ngành, lĩnh vực, kết nối với hệ thống số của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và nâng cao năng lực quản trị và kinh doanh. Thành phố cũng cần chỉ đạo hỗ trợ vốn, pháp lý, công nghệ cho doanh nghiệp đăng ký chuyển đổi xanh, giúp doanh nghiệp có nguồn kinh phí đáp ứng nhu cầu giảm phát thải nhà kính.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Bước sang năm 2024, ngành công thương thành phố đặt mục tiêu tiếp tục nỗ lực phấn đấu, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu để hoàn thành mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra. Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng tốc xuất khẩu trong năm 2024, Sở Công thương thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Ở lĩnh vực công nghiệp, Sở triển khai Đề án “Phát triển công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050”; đồng thời, hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phát triển bốn ngành công nghiệp trọng điểm.
Trong đó, tập trung phát triển các ngành, sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố giai đoạn 2021-2025, tạo động lực để phát triển các ngành công nghiệp khác; còn ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tiếp tục tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và hoạt động xuất, nhập khẩu; tạo sự liên kết giúp doanh nghiệp sản xuất bắt tay với các hệ thống phân phối lớn, đủ khả năng mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu. Ngoài ra, sở cần tăng cường cung cấp thông tin các thị trường xuất, nhập khẩu, đẩy mạnh việc hợp tác, giao thương của doanh nghiệp…
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Dũng, năm 2024, thành phố đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn đạt từ 7,5% đến 8%. Để đạt được mục tiêu này, ngành công thương thành phố cần nắm bắt chặt chẽ tình hình hoạt động của doanh nghiệp; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp trên tinh thần cầu thị nhằm đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Cùng với đó, ngành công thương cần tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong mở rộng thị trường, đề cao việc tăng đầu ra sản phẩm và số lượng đơn hàng, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, ngành tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác xúc tiến thương mại, tận dụng những cam kết trong các FTA để đẩy mạnh và mở rộng thị trường xuất khẩu; mặt khác, tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn FDI.
Đồng thời, ngành cũng tăng cường áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua các hệ thống phân phối hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin… Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc phục hồi sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Võ Văn Hoan cho biết: Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số trên mọi lĩnh vực.
Đáng chú ý, thành phố sẽ thực hiện kiểm toán và định lượng khí thải làm cơ sở để doanh nghiệp, cộng đồng thực hiện chuyển đổi xanh. Do vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng chuyển đổi số, sản xuất, kinh doanh xanh để thích ứng xu hướng này nếu không muốn bị đào thải.