Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh

Đón đầu nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tái khởi động của các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế chuyển mình khởi sắc những tháng đầu năm 2024, các ngân hàng đã dành nguồn tín dụng ưu đãi dồi dào cùng những giải pháp đơn giản hóa thủ tục cho vay với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng giao dịch tín dụng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank).
Khách hàng giao dịch tín dụng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank).

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, quy mô gói tín dụng ưu đãi của Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trong năm 2024 được 17 thương hiệu ngân hàng trên địa bàn thành phố đăng ký với tổng số tiền 509.684 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng chỉ khoảng 4%/năm. Đây là gói tín dụng nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh phục hồi sau khi thành phố kiểm soát được dịch Covid-19.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh cho biết: Tổng số tiền gói tín dụng ưu đãi của Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trong năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay (quy mô gói tín dụng tăng 12,49% so với năm 2023). Năm nay, ngoài bốn ngân hàng thương mại Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) và các ngân hàng thương mại tư nhân như: ACB, Nam A Bank, OCB… còn có các ngân hàng nước ngoài như Standard Chatered, Sinhanbank… cũng tham gia. Tiêu chí đăng ký gói tín dụng ưu đãi tham gia chương trình bao gồm: giảm lãi suất cho doanh nghiệp; cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp giữ nguyên nhóm nợ; cho vay năm nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên; tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp; cho vay lãi suất thấp… Theo đó, gói tín dụng này thực hiện cho vay mới với lãi suất ưu đãi (cho vay ngắn hạn bằng VND khoảng 4%/năm và lãi suất cho vay trung-dài hạn khoảng 9%/năm, sẽ điều chỉnh hợp lý theo diễn biến thị trường, song bảo đảm nguyên tắc hỗ trợ) và thực hiện giảm lãi suất các khoản vay cũ, đặc biệt là các khoản vay trung-dài hạn thời gian trước có lãi suất cao. Ngoài ra, chương trình còn thực hiện gia hạn nợ mà không chuyển nhóm nợ đối với các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, việc giải ngân gói tín dụng này được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp trong quá trình mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều gói ưu đãi

Ngay sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao room tín dụng năm 2024, các ngân hàng thương mại đã chủ động thúc đẩy tín dụng ngay từ đầu năm, thông qua các gói lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất cho vay và đơn giản thủ tục cho vay. Đầu năm 2024, các ngân hàng ACB và VietinBank triển khai gói “Tín dụng xanh” từ 2.000-5.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 5,8-6,2%/năm. Các khoản vay được lựa chọn duy trì ưu đãi lên đến 24 tháng và được miễn, giảm phí trả nợ trước hạn. Vietcombank thông báo triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn sản xuất, kinh doanh với gói tín dụng 160.000 tỷ đồng. Chương trình áp dụng cho khách hàng cá nhân, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh với mức sàn lãi suất cho vay chỉ từ 5,3 - 6,6%/năm với thời gian từ ba tháng đến 12 tháng.

Theo Ngân hàng ACB, các gói tín dụng mà nhà băng này đưa ra đầu năm 2024 bám sát nhu cầu thực tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với vốn vay, với nhiều hình thức cho vay, đáp ứng quy mô và lĩnh vực kinh doanh đa dạng của doanh nghiệp. Cụ thể, đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, Ngân hàng ACB thiết kế trọn gói giải pháp về cơ cấu vốn tài trợ chuyên biệt, cam kết bảo lãnh, dàn xếp tín dụng... với tỷ lệ tài trợ lên đến 80% giá trị hợp đồng đầu ra, mức ký quỹ bảo lãnh chỉ từ 0%. Đối với các doanh nghiệp thương mại mặt hàng: hạt nhựa, thép, ô-tô nguyên chiếc, ngân hàng cung cấp giải pháp tài chính linh hoạt và cạnh tranh dựa trên chính lô hàng nhập khẩu/trong nước được tài trợ, cơ cấu vốn vay lên đến 80% giá trị lô hàng. Bên cạnh việc tài trợ vốn với nhiều ưu đãi cho khách hàng, Ngân hàng ACB có những thay đổi trong chính sách dịch vụ nhằm giúp doanh nghiệp xuất, nhập khẩu tiết kiệm chi phí, thời gian, giao dịch. Từ ngày 19/2/2024, ngân hàng áp dụng biểu phí dịch vụ thanh toán quốc tế mới với chính sách cạnh tranh. Đó là gói phí chuyển tiền trả trước, giúp khách hàng tiết kiệm chi phí đến 50%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được miễn phí 100% các nhóm phí dịch vụ tài khoản trong nước trên kênh online gồm: phí chuyển khoản VND trong/ngoài hệ thống, phí chi hộ lương/chuyển khoản theo lô và nhiều loại phí dịch vụ tài khoản khác. Đặc biệt, ngân hàng đang áp dụng chính sách tín chấp rất cạnh tranh trên thị trường với mức tín chấp cao, tỷ lệ ký quỹ bảo lãnh chỉ từ 0%...

Từ đầu năm 2024, Ngân hàng Agribank đã triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất với quy mô 60 nghìn tỷ đồng cho nhiều đối tượng khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân với mức lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1% đến 2,5%/năm. Hiện, Agribank cũng điều chỉnh lãi suất cho vay bình quân giảm 0,42%/năm so thời điểm đầu năm 2023 và giảm 0,13% so với thời điểm đầu năm 2024. Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết: Agribank đã tập trung chỉ đạo công tác tăng trưởng tín dụng năm 2024. Trong đó, ngân hàng xây dựng và triển khai đa dạng các chương trình/sản phẩm tín dụng phù hợp với từng ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hướng tới xây dựng các sản phẩm tín dụng mang tính đặc thù cho từng địa phương, vùng, miền; cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong quy trình cho vay nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ, tiết giảm tối đa thời gian thẩm định, phê duyệt tín dụng. Đồng thời, tiếp tục có các chính sách hỗ trợ phù hợp về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay gặp khó khăn kéo dài do nguyên nhân khách quan; cấp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng có nợ xấu, nợ cơ cấu nhưng có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và ngân hàng kiểm soát được quá trình cho vay, thu nợ ■