Hỗ trợ doanh nghiệp logistics thúc đẩy xuất, nhập khẩu

Để phát triển ngành logistics phát triển tương xứng tiềm năng, thúc đẩy xuất, nhập khẩu hàng hoá trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Hải quan Thành phố chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ, đồng hành, tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp logistics.
0:00 / 0:00
0:00
Vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu tại Cảng Cát Lái (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh).
Vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu tại Cảng Cát Lái (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng chiến lược phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của thành phố, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP; nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10% đến 15%.

Tạo thuận lợi thương mại

Tuy nhiên, hoạt động logistics trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với vị trí đặc biệt quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước.

Ngoài điểm nghẽn hạ tầng giao thông chưa đồng bộ và thiếu tính kết nối, thiếu hụt về nhân lực ngành logistics, thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm là tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính về hải quan cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Cục Hải quan thành phố luôn nhận thức về vai trò và trách nhiệm trong việc phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics của các doanh nghiệp thông qua các hoạt động cải cách thủ tục hành chính về hải quan, tạo thuận lợi thương mại, giảm thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, góp phần khai thác tối đa năng lực của các cảng biển, kho bãi, địa điểm nói riêng và kết cấu hạ tầng giao thông nói chung, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cảng biển, cảng hàng không”.

Theo đó, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn xây dựng Đề án Tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái (Đề án 2318). Đây được xem một trong những chương trình đột phá của Cục Hải quan thành phố nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thông quan và góp phần phát triển hoạt động logistics tại thành phố. Tham gia chương trình này, các doanh nghiệp có cổng làm thủ tục riêng để tạo thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa. Đến nay, đã có 134.000 tờ khai và 146.000 container được tạo thuận lợi thông qua đề án này.

Để mở rộng đối tượng doanh nghiệp được hỗ trợ, Cục Hải quan thành phố đang đề nghị 200 doanh nghiệp trong đề án chuyển sang tham gia chương trình doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ. Các doanh nghiệp sẽ được ưu tiên và giảm tỷ lệ kiểm tra, tạo thuận lợi cao nhất. Với độ mở thực hiện Chương trình doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể tham gia.

Gỡ vướng kiểm tra chuyên ngành

Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp vẫn than phiền, thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ. Ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Logistics, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đánh giá: “Các cơ quan, ban, ngành đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc về thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành chưa phù hợp; một số quy định còn chồng chéo, một số chính sách chưa kịp thời sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của hoạt động logistics trong thực tiễn…, đã cản trở doanh nghiệp cắt giảm chi phí, thời gian, ảnh hưởng việc tiếp cận thị trường thế giới”.

Để “cởi trói” vướng mắc kiểm tra liên ngành, Cục Hải quan thành phố đang làm việc với các bộ, ngành liên quan để xây dựng Nghị định về cải cách kiểm tra chuyên ngành. Ông Nguyễn Hữu Nghiệp cho rằng, nếu Nghị định này được thông qua sẽ tạo ra cách mạng lớn về cải cách hành chính. Bởi trước đây Nghị định 15/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn thực phẩm, Nghị định 74/2018/NĐ-CP về kiểm tra chất lượng cũng đưa ra vấn đề về quản lý rủi ro cho kiểm tra chuyên ngành, nhưng không áp dụng được do không có cơ quan đầu mối.

Khi Nghị định mới được thông qua, cơ quan hải quan giữ vai trò đầu mối, việc kiểm tra chuyên ngành sẽ gắn với chương trình quản lý rủi ro của hải quan. Nhờ đó, các thủ tục kiểm tra hàng hóa sẽ đơn giản hơn, giúp hoạt động xuất, nhập khẩu được tạo thuận lợi tối đa, giảm chi phí nhưng vẫn bảo đảm công tác quản lý.

Chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp logistics, Cục Hải quan thành phố thường xuyên tổ chức nhiều buổi đối thoại, trao đổi thông tin để lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Hoạt động này mang lại kết quả tích cực, giúp định hướng doanh nghiệp hướng đến sự tự giác tuân thủ pháp luật hải quan, kịp thời nắm bắt, tiếp thu các ý kiến doanh nghiệp liên quan đến chính sách quản lý xuất, nhập khẩu hàng hóa, kịp thời giải quyết những điểm nghẽn thủ tục, đồng thời kiến nghị các cấp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan về chính sách, thủ tục cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ công của cơ quan hải quan trong tiến trình cải cách và hội nhập. Hoạt động này được cộng đồng doanh nghiệp cũng như lãnh đạo thành phố ghi nhận và đánh giá cao, giúp cải thiện môi trường đầu tư thành phố.