Nhiều cách giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp
Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong cho biết, công tác vận động các nguồn lực xã hội chăm lo, giúp đỡ thanh niên nghèo, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn được Thành đoàn, Hội LHTN thành phố chú trọng triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực.
Ban Thường vụ Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp khai thác các nguồn vốn cho thanh niên vay với lãi suất ưu đãi như: Nguồn quỹ "Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp", nguồn quỹ ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ðoàn thanh niên thường xuyên tổ chức tập huấn theo chuyên đề cho thanh niên đang vay vốn từ các nguồn quỹ, cán bộ phụ trách công tác vốn nhằm nâng cao hiểu biết đối với các vấn đề liên quan kinh tế, hướng dẫn việc thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, trao đổi, góp ý, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng nguồn vốn của thanh niên.
Hội LHTN thành phố thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giúp thanh niên phát triển kinh tế như: Diễn đàn "Cà-phê khởi nghiệp" - là nơi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, kiến thức kinh tế giữa các doanh nhân trẻ thành đạt, các nhà nghiên cứu kinh tế với các bạn trẻ yêu thích kinh doanh. Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trực thuộc Hội LHTN thành phố phối hợp một số đơn vị đào tạo có uy tín tổ chức thực hiện các khóa đào tạo cơ bản và chuyên sâu trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó, Trung tâm có nhiệm vụ điều hành nguồn Quỹ "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" do Hội LHTN thành phố quản lý. Từ một tỷ đồng ban đầu năm 2006, đến nay Quỹ đã được thành phố ủy thác quản lý 30 tỷ đồng. Từ tháng 6-2011 đến tháng 7-2012, quỹ đã phát vay 184 dự án với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng cho thanh niên làm kinh tế trên địa bàn năm huyện ngoại thành và các quận còn đất nông nghiệp như các quận 2, 9, 12.
Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên, trực thuộc Thành đoàn đào tạo các nghề: tin học văn phòng và ứng dụng, kế toán, quay phim, dựng phim, thiết kế quảng cáo, nhiếp ảnh ứng dụng; đào tạo trung cấp nghề: xây dựng, điện dân dụng, kế toán. Các khóa học nghề đều giảm giá và hỗ trợ chi phí học nghề, từ 10 đến 50% dành cho đoàn viên thanh niên, hội viên và giảm từ 50 đến 90% cho các bạn trẻ khuyết tật. Ðặc biệt là chương trình đào tạo nghề dành cho thanh niên xuất ngũ, thanh niên nông thôn, tạo việc làm giúp họ ổn định cuộc sống.
Từ năm 2007 đến năm 2012, Huyện đoàn Củ Chi đã có 2.045 thanh niên được hỗ trợ vay vốn với số tiền gần 10 tỷ đồng. Riêng hai năm 2011 và 2012, Huyện đoàn đã hỗ trợ cho 24 dự án của thanh niên và hai dự án của tập thể với số tiền gần hai tỷ đồng - những mô hình này đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Quận đoàn Tân Phú cho biết, trên địa bàn quận đã có gần hai nghìn thanh niên được vay vốn. Quận đoàn còn giới thiệu cho các bạn thanh niên tiếp cận các nguồn vốn: Nguồn vốn hỗ trợ cho thanh niên diện hộ nghèo, Nguồn vốn Quỹ Quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm, Quỹ "Vì người nghèo", vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội...
Nhân rộng điển hình sản xuất kinh doanh giỏi
Trên bước đường lập thân, lập nghiệp, nếu thanh niên không có vốn hoặc thiếu vốn để duy trì mô hình sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề thì "Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" tiếp thêm sức mạnh cho các bạn. Chị Thúy Hằng là chủ một công ty TNHH may túi chuyên dùng cho các loại mô-tô. Khi khởi nghiệp, chị được Quận đoàn quận 7 giới thiệu cho vay 20 triệu đồng. Năm 2008, sau khi hoàn vốn, Thúy Hằng lại tiếp tục được vay 50 triệu đồng để mở rộng cơ sở sản xuất. Gần đây, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã thẩm định dự án của công ty và hỗ trợ công ty vay 100 triệu đồng mà không phải thế chấp.
Gia đình anh Nguyễn Bá Tiến, phường An Lạc, quận Bình Tân vốn có nghề truyền thống sản xuất giày dép, song do việc sản xuất không thuận lợi nên kinh tế khó khăn. Tiến luôn trăn trở làm sao thoát được cái nghèo đeo đẳng và làm sao có thể làm giàu từ chính cái nghề truyền thống của gia đình. Năm 2007, anh Tiến đã mạnh dạn vay vốn 15 triệu đồng từ "Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, gây dựng lại cơ nghiệp của gia đình. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên chỉ sau một năm, anh đã hoàn trả vốn vay đúng hạn. Năm 2009, anh tiếp tục được vay lần hai với số tiền là 20 triệu đồng từ Quỹ, để mua thêm máy may, máy in, máy dập... Từ đó công việc sản xuất, kinh doanh của gia đình ngày càng phát triển, tổ sản xuất của anh có bảy người, mỗi tháng cơ sở sản xuất đạt doanh thu gần 100 triệu đồng. Ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, gia đình anh Huỳnh Tấn Ðạt, 21 tuổi, có nghề nuôi cá truyền thống. Ðược cha mẹ tạo điều kiện cho đất sản xuất, anh đã mạnh dạn làm hồ sơ đề nghị được hỗ trợ vay 20 triệu đồng từ "Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp". Với cơ sở vật chất sẵn có, anh đang nuôi cá tra, cá lóc, cá rô phi..., làm ăn có lãi, mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho thanh niên trong xóm, ấp.