Thời gian qua, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để di dời các hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Ðơn cử tại xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa), địa phương này có khoảng 300 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm; trong đó, có 20 hộ chăn nuôi quy mô lớn, còn lại là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ năm 2016, xã đã bố trí quỹ đất để xây dựng khu trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô 15 ha. Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có tám hộ di dời ra khu chăn nuôi tập trung; phần lớn các hộ chăn nuôi còn lại không muốn di dời. Nguyên nhân chủ yếu do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ theo phương thức bán công nghiệp, tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ và các phụ phẩm nông nghiệp, gắn với cuộc sống sinh hoạt. Ngoài ra, nhiều hộ không có vốn đầu tư cho nên cũng e ngại việc di dời. Ðây đang là thực trạng chung của rất nhiều địa phương.
Không thể phủ nhận chăn nuôi nông hộ đã và đang góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế hộ. Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi này luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Ðể việc chuyển đổi đạt hiệu quả trong thời gian tới, các địa phương cần thực hiện rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi để xây dựng phương án di dời phù hợp. Trước mắt, cần thực hiện di chuyển đối với các hộ chăn nuôi có quy mô lớn nằm xen ghép trong khu dân cư, nhất là đối với các hộ chăn nuôi lợn. Ðối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cần bố trí quỹ đất, rà soát theo từng đối tượng con nuôi để đưa ra giải pháp di dời hiệu quả. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi về vay vốn, hỗ trợ lãi suất để người chăn nuôi đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển chăn nuôi quy mô công nghiệp, bán công nghiệp hoặc có thể chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về Luật Chăn nuôi cho người dân, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện di dời.