Là một trong những giáo viên có phương pháp giảng dạy tiếng Anh ứng dụng công nghệ thông tin tạo hứng thú cho cả học sinh Thủ đô và học sinh tỉnh Yên Bái, cô giáo Phạm Thu Trà, Tổ phó chuyên môn tổ ngoại ngữ Trường trung học cơ sở Phan Chu Trinh (quận Ba Đình, Hà Nội) đã chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong dạy tiếng Anh, giúp cho việc dạy học trên lớp trở nên sinh động, thú vị hơn.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy kỹ năng nghe và nói tiếng Anh, cô Phạm Thu Trà đã thực hiện dạy mẫu tiết học trực tuyến cho học sinh tại tỉnh Yên Bái tại buổi tập huấn Phương pháp dạy học môn tiếng Anh “Lớp học thông minh sử dụng AI” được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức trực tuyến tới các cán bộ, giáo viên dạy tiếng Anh của tỉnh Yên Bái ngày 19/3. Theo cô Trà, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sử dụng thư viện Smartschool sẽ giúp các thầy, cô dễ dàng nắm được những lỗi sai khi phát âm và khi nói của học sinh, để từ đó nâng cao kỹ năng nói cho học sinh.
Tham dự tiết học trực tuyến của cô Thu Trà với học sinh tỉnh Yên Bái, nhiều giáo viên nhận xét, tiết học diễn ra trong không khí vui vẻ, dễ hiểu. Cách cô giáo gợi ý và hướng dẫn học sinh thực hiện hoạt động học tập rất thu hút và khơi gợi sự cố gắng của học sinh, cho thấy hiệu quả của sự sáng tạo, nỗ lực của giáo viên trong đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh cho học sinh.
Cô Phạm Thu Trà là một trong số 285 giáo viên Thủ đô được Sở Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ đầu năm học 2023-2024 đến nay. Đây đều là những giáo viên có năng lực, trình độ chuyên môn tốt, có tinh thần trách nhiệm cao, đạt chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên và hầu hết đều đã tham gia khóa bồi dưỡng đào tạo ngắn hạn tại Australia do thành phố đầu tư. Tính đến ngày 16/3, các thầy, cô giáo của Hà Nội đã giảng dạy trực tuyến được 632 tiết tại 17 trường trung học cơ sở thuộc tỉnh Yên Bái.
Để bảo đảm các tiết dạy hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã cử 118 giáo viên tham gia trợ giảng, hỗ trợ giáo viên Hà Nội tại từng lớp học. Hai bên cũng thường xuyên trao đổi nắm bắt tình hình, tiến độ triển khai để có chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với từng đơn vị. Giáo viên các trường học của Yên Bái cũng chủ động liên hệ, thường xuyên trao đổi để thống nhất kế hoạch, thời khóa biểu dạy học, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giáo viên Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ. Các giáo viên của Hà Nội mặc dù đều kín lịch dạy (19 tiết/tuần), nhưng đều rất nhiệt tình trong việc thu xếp thời gian để hỗ trợ học sinh các trường học ở tỉnh Yên Bái.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái Vương Văn Bằng, tỉnh có 250 cơ sở giáo dục với hơn 226.000 học sinh, gần 14.000 giáo viên các cấp học. Những năm qua, giáo dục của tỉnh Yên Bái có nhiều chuyển biến, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt 92%, tuy nhiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường học của tỉnh Yên Bái vẫn thiếu giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh. Sự hỗ trợ kịp thời của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã giúp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái khắc phục khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh của tỉnh trong học tập môn ngoại ngữ này.
Mới đây nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức tập huấn Phương pháp dạy học môn tiếng Anh “Lớp học thông minh sử dụng AI” cho giáo viên Hà Nội và Yên Bái tham gia chương trình giảng dạy tiếng Anh trực tuyến.
Trong đó, tập trung vào ứng dụng Công cụ AI hỗ trợ luyện phát âm và kỹ năng nói trong tiết dạy nghe-nói và phương pháp dạy kỹ năng đọc-viết thông qua Thư viện học liệu điện tử. Ngoài ra, các giáo viên còn được tập huấn cách khai thác nguồn dữ liệu ứng dụng công nghệ thông tin thông qua hệ thống LMS và sách điện tử, cũng như được hướng dẫn cách sử dụng tài khoản và học liệu được cung cấp miễn phí cho giáo viên tại Hà Nội và Yên Bái.
Có thể thấy, tập huấn phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy môn tiếng Anh cấp trung học cơ sở năm học 2023-2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là một trong những hoạt động thiết thực, góp phần thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018 năm học 2023-2024 và những năm tiếp theo.
Đây cũng là cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi kỹ năng giữa các giáo viên trong thành phố Hà Nội và với giáo viên tỉnh Yên Bái. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội sẵn sàng mở rộng hình thức hỗ trợ giảng dạy trực tuyến cho học sinh các cấp học khác của tỉnh Yên Bái; đồng thời tăng cường triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên tiếng Anh nói riêng và các môn học khác nói chung.