Hỗ trợ dạy nghề, xuất khẩu lao động cho người dân bốn tỉnh miền trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển

Chiều 5-7, tại cuộc họp báo về việc xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân tại bốn tỉnh miền trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, sẽ có khoảng 263 nghìn lao động của các huyện ven biển (trong đó có 100 nghìn người bị ảnh hưởng trực tiếp, 163 nghìn người bị ảnh hưởng gián tiếp) được hỗ trợ dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động.

Theo đó, đối với chương trình xuất khẩu lao động, các chương trình thuộc Bộ quản lý, như: Chương trình EPS đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc, chương trình IM Japan của Nhật Bản, chương trình đưa điều dưỡng viên sang lao động tại Nhật Bản và CHLB Đức, Bộ sẽ ưu tiên tăng chỉ tiêu cho các địa phương này. Đối với các chương trình do doanh nghiệp triển khai, Bộ sẽ yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước mời các doanh nghiệp lớn, uy tín hỗ trợ người dân. Tăng cường hỗ trợ đưa lao động sang làm việc theo chương trình đánh bắt gần bờ của Đài Loan (Trung Quốc), Thái-lan với chi phí thấp...

Đồng thời, Bộ sẽ áp dụng các chính sách hỗ trợ vay vốn, chuyển đổi việc làm, ưu tiên giới thiệu việc làm cho người lao động không chỉ tại địa phương mà còn ở tỉnh lân cận.

* Phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân

Sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân hải sản chết bất thường ở miền trung, các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh, Quảng Trị đã tổ chức đánh giá thiệt hại, bàn giải pháp phục hồi phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và bảo đảm an ninh trật tự. Tỉnh Hà Tĩnh đã gấp rút hỗ trợ gạo, tiền cho các đối tượng theo quy định của UBND tỉnh nhằm ổn định đời sống và khôi phục sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác theo mức hạn định; hỗ trợ cải hoán; kinh phí đào tạo thuyền trưởng; hỗ trợ 100% kinh phí mua máy thông tin liên lạc cho tàu cá; xây dựng hầm bảo quản sản phẩm khi đóng tàu dịch vụ hậu cần; xây dựng mới cơ sở sản xuất nước đá; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư cụ; hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho hộ nghèo và cận nghèo chuyển đổi ngành nghề.

* Sở TN và MT tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục lấy mẫu quan trắc môi trường nước ven biển, kể cả vùng cửa biển và đầm phá. Đồng thời nghiên cứu để tham mưu, đề xuất giải pháp kết hợp các chính sách hỗ trợ phát triển đánh bắt xa bờ. Các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung đối tượng bị ảnh hưởng để thực hiện hỗ trợ theo đúng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bảo đảm chính xác, công bằng và công khai.

* Ngày 5-7, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có công văn gửi các địa phương ven biển gồm Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng về việc thành lập hội đồng đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường biển để phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh tổ chức thống kê thiệt hại trên địa bàn huyện mình quản lý; tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả hải sản chết bất thường, có những phương án, lộ trình để khắc phục hậu quả đối với môi trường và tài nguyên biển. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 804 tấn gạo và hơn tám tỷ đồng cho những gia đình khó khăn tại các xã ven biển.