Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho lao động khó khăn do Covid-19 còn chậm

Tới nay, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho lao động theo Nghị quyết 68 thực hiện còn chậm. Thống kê mới nhất cho thấy, mới phê duyệt 2,4 tỷ đồng, hỗ trợ đào tạo hơn 900 người lao động. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, hoặc sản xuất cầm chừng, nên chưa có nhu cầu đào tạo, hoặc chưa có phương án bố trí lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động.

Đào tạo nghề điện công nghiệp tại Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (Ảnh minh họa: Anh Sơn).
Đào tạo nghề điện công nghiệp tại Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (Ảnh minh họa: Anh Sơn).

Triển khai còn khó khăn

Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho lao động khó khăn do Covid-19 còn chậm -0
Phó Cục trưởng Cục Việc làm Tào Bằng Huy.

Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động được quy định tại Nghị quyết 68, Quyết định 23 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 ban hành từ giữa năm 2021. Quy định về điều kiện, trình tự thủ tục thực hiện chính sách này đơn giản rất nhiều so với quy định tại Luật Việc làm và Nghị định 28/2015/NĐ-CP. Đặc biệt, chính sách này có thời hạn thực hiện dài hơi, được thiết kế dài hạn đến cuối tháng 6 năm 2022.

Đến nay, cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 3.339 lao động tại 31 đơn vị đề nghị hỗ trợ đào tạo nghề. Tại 5 tỉnh, thành phố, đã có 7 đơn vị sử dụng lao động được phê duyệt hỗ trợ 2,4 tỷ đồng để đào tạo nghề, duy trì việc làm cho 915 người lao động.

Đây là chia sẻ của ông Tào Bằng Huy tại tọa đàm trực tuyến “Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch” do Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.

Tuy nhiên, chính sách này triển khai chậm trong thực tế. Lý do là thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng, nên chưa có nhu cầu đào tạo, hoặc chưa có phương án bố trí lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động.

Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho lao động khó khăn do Covid-19 còn chậm -0
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương Phạm Văn Tuyên

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, cho hay, nhiều chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 đã phát huy tác dụng hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động ở địa phương. Kết quả thực hiện Nghị quyết 68 tính đến 16 giờ ngày 15/11/2021 cho thấy, địa phương này đã chi hỗ trợ hơn 1,1 triệu trường hợp, với số tiền gần 1.788 tỷ đồng. Con số này không tính các chính sách: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; vay trả lương ngừng việc.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đến nay chưa phát sinh hồ sơ đề nghị tại Bình Dương. Nguyên nhân là từ đợt dịch Covid-19 thứ tư đến nay, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch đang cố gắng tiếp tục hoạt động bằng nhiều giải pháp theo ngành nghề, công nghệ. Hiện tại, khi tình hình dịch được cơ bản kiểm soát, doanh nghiệp chưa có nhu cầu thay đổi công nghệ hoặc tái cơ cấu lao động.

Dự kiến, 4.500 tỷ đồng dành hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động trong gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng của Nghị quyết 68.

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Việc làm Tào Bằng Huy, qua khảo sát, một số địa phương cho rằng, khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động bình thường, sẽ có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất - kinh doanh để đáp ứng yêu cầu trong trạng thái bình thường mới và có nhu cầu đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động phù hợp với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Một số địa phương mạnh dạn đề nghị cho kéo dài thực hiện chính sách này đến hết năm 2022.

Về việc này, Cục Việc làm cũng đang nghiên cứu, xem xét hiệu quả của chính sách đến thời điểm 30/6/2022 để có đề xuất phù hợp.

Đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động sau đại dịch

Phó Cục trưởng Cục Việc làm Tào Bằng Huy nhấn mạnh, ngày 30/8/2021, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1446/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Trong đó, có các chính sách, giải pháp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thu hút người lao động, thanh niên chủ động tham gia đào tạo để nâng cao tay nghề, chuyển đổi việc làm đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động.

Các giải pháp nêu rất sát thực tiễn, như: Xác định ngành, nghề đào tạo, kỹ năng nghề và mô hình đào tạo mới phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân; phối hợp với doanh nghiệp để gắn đào tạo lý thuyết với thực hành tại doanh nghiệp, đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp sau khi phục hồi sản xuất - kinh doanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ/kỹ năng nghề cho người lao động để thích ứng với điều kiện sản xuất mới, đào tạo phổ cập nghề cho người lao động có kỹ năng thấp, đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cũng theo ông Huy, trong thời gian tới có hai việc cần làm ngay.

Trước hết, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng và triển khai phương án đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.

Tiếp đó, phối hợp các trung tâm dịch vụ việc làm để tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ đào tạo cũng như tổ chức thực hiện đào tạo mới, đào tạo nâng cao trình độ và đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động.

Trong chính sách hỗ trợ đào tạo này, có hỗ trợ đào tạo đối với đối tượng là người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vừa qua, có số người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, hiện nay khi chưa quay trở lại làm việc. Đây chính là nhóm đối tượng mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần tư vấn, giới thiệu cho họ tham gia đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp để chuẩn bị cho việc làm trong tương lai.

Theo quy định, mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng.
Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng/người. Tổng kinh phí dự kiến: 4.500 tỷ đồng.
Chính sách triển khai từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2022.
Thời gian nộp hồ sơ từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.