Đồng Tháp là một trong những địa phương thực hiện Chương trình OCOP đạt nhiều thành tựu, kết quả cao. Tuy vậy, số sản phẩm OCOP đạt 4-5 sao còn khá ít so với tiềm năng của tỉnh. Đến cuối năm 2023, tỉnh chỉ có một sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Trong năm 2023, tỉnh có 139 sản phẩm mới được công nhận đạt sao OCOP, trong đó, 119 sản phẩm 3 sao, 20 sản phẩm 4 sao; toàn tỉnh có 66,35% số sản phẩm được công nhận OCOP năm 2020 tham gia đánh giá lại.
Theo quy định hiện nay, Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, hồ sơ minh chứng theo tiêu chí 4-5 sao với khá nhiều nội dung và tiêu chí bắt buộc mà trong năm 2023 các chủ thể chưa kịp hoàn thiện, nhất là về tiêu chí “Sở hữu trí tuệ”. Một số địa phương và chủ thể còn thụ động trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ để hoàn thiện, phát triển sản phẩm theo quy định mới. Năng lực quản trị của các tổ chức kinh tế tham gia chương trình còn ở quy mô nhỏ, một số chủ thể sản phẩm OCOP còn hạn chế về khả năng tiếp cận, ứng dụng khoa học-công nghệ vào quy trình sản xuất…
Trước thực tế nhiều chủ thể còn đắn đo trong việc giữ hạng và nâng hạng sản phẩm OCOP, các ngành chức năng, nhiều địa phương ở Đồng Tháp đã chủ động hỗ trợ. Mới đây, ông Huỳnh Văn Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nam Huy Đồng Tháp (huyện Châu Thành) cho biết, bảy sản phẩm OCOP 4 sao của công ty ông đã được đánh giá lại sau 3 năm công nhận. Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã quan tâm, hướng dẫn hồ sơ thủ tục, nhờ đó doanh nghiệp mới biết cách để “giữ sao” cho sản phẩm. Doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị hồ sơ đánh giá lại đối với sản phẩm sen sấy 5 sao của công ty sau 3 năm được công nhận...
Để Chương trình OCOP thật sự mang lại hiệu quả, hằng năm, huyện Châu Thành rà soát tất cả sản phẩm tiềm năng của các tổ chức sản xuất gắn liền vùng nguyên liệu của địa phương. Huyện chỉ đạo ngành chuyên môn đối chiếu với bộ tiêu chí của chương trình để cung cấp thông tin cho các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất các tiêu chuẩn cần đạt, từ đó, tập trung hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện từng nội dung tiêu chí, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết, tỉnh đã áp dụng phần mềm số hóa OCOP trong đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Việc này đã giảm chi phí in ấn trong hoạt động thẩm định, họp hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp; linh hoạt về thời gian đánh giá; thuận lợi trong công tác quản lý, quảng bá sản phẩm OCOP.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp giao các huyện, thành phố và ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hồ sơ, thủ tục trong việc giữ hạng và nâng hạng sản phẩm OCOP. Việc xét sản phẩm OCOP 3 sao được giao về cấp huyện và 4 sao là cấp tỉnh. Đối với những sản phẩm xét công nhận 4 sao có nhiều tiêu chí, mỗi tiêu chí liên quan đến ngành chức năng, do vậy, khi họp hội đồng thì ngành chức năng phải xem xét hỗ trợ doanh nghiệp.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Đồng Tháp Võ Phương Thủy cho biết: “Ngay từ đầu năm 2024, ngành công thương và các sở liên quan đã vào cuộc và đi đến tất cả địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để hướng dẫn, chỉ ra cho doanh nghiệp các thủ tục để nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao...”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, tỉnh sẽ theo sát việc nâng hạng và giữ hạng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thủ tục hành chính làm sao đơn giản nhất có thể, đúng quy định. Tháng 4/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn; góp phần nâng cao thu nhập của người dân, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững trên địa bàn tỉnh… Kế hoạch trong năm 2024, tỉnh sẽ hỗ trợ ít nhất 5 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao OCOP, hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm OCOP công nhận năm 2021 tham gia đánh giá, phân hạng lại…