Hỗ trợ Bình Phước xây dựng trường học

Bình Phước là tỉnh miền núi, có đường biên giới với nước bạn Campuchia dài hơn 258km. Trải dài tuyến biên giới Bình Phước là 15 xã thuộc các huyện Lộc Ninh, Bù Ðốp và Bù Gia Mập, đây cũng là địa bàn khó khăn nhất của tỉnh về kết cấu hạ tầng. Những năm qua, các tỉnh trong vùng Ðông Nam Bộ đã có nhiều chính sách hỗ trợ Bình Phước phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới, nhất là giúp các huyện vùng sâu, vùng xa xây dựng trường học.
0:00 / 0:00
0:00
Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu được Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ kinh phí xây dựng khang trang.
Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu được Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ kinh phí xây dựng khang trang.

Huyện Bù Gia Mập của tỉnh Bình Phước có khoảng 36% số dân là người dân tộc thiểu số, với 22 thành phần dân tộc. Ðời sống bà con còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 4,52%. Những năm qua, huyện đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều chương trình đầu tư hỗ trợ người dân từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập Nguyễn Xuân Hoan cho biết: Cùng với các chính sách của Trung ương và tỉnh, huyện cũng đã vận động các nhà hảo tâm đầu tư xây dựng các trường học, tạo điều kiện thuận lợi cho con em trên địa bàn vươn lên học tập tốt. Tuy nhiên, đến nay huyện vẫn còn thiếu các thiết chế văn hóa, thể thao, nhà thiếu nhi chưa có kinh phí đầu tư xây dựng để phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí, học tập của trẻ em, học sinh và người dân trên địa bàn.

Chung tay hỗ trợ Bình Phước, năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ huyện Bù Gia Mập 80 tỷ đồng để xây dựng một trường học tại xã Phú Nghĩa. Thầy Ðinh Ðức Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu cho biết: Trường thành lập năm 2010 trên cơ sở nâng cấp từ Trường THCS Võ Thị Sáu cho nên một số hạng mục không phù hợp với bậc THPT. Lúc đó, cả hai bậc học với số lượng học sinh hằng năm khoảng 900 em với 26 lớp, trong khi diện tích nhà trường nhỏ, chỉ có 19 phòng học, tám phòng chức năng, bộ môn trang thiết bị dạy học thiếu. So với nhu cầu thực tế thì cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy-học thiếu nhiều. Với nguồn kinh phí được Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ; đồng thời, UBND huyện Bù Gia Mập cũng vận động từ các nguồn khác thêm 20 tỷ đồng đã đầu tư xây dựng một ngôi trường mới khang trang trên diện tích 4,58ha với với 30 phòng học, 12 phòng bộ môn, tám phòng khối hiệu bộ, nhà đa năng, cổng, hàng rào, khuôn viên sân trường... Ðến nay, Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu có gần 1.100 em học sinh đang theo học, trong đó có khoảng 30% số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Thầy Nguyễn Ðình Lương, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu, sau khi trường mới hoàn thành đã giải quyết nhu cầu học tập của học sinh các xã Ðức Hạnh, Phú Văn, Phú Nghĩa của huyện Bù Gia Mập. Nhà trường cũng thực hiện tốt việc phát triển mạng lưới trường, lớp gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục trung học, tạo điều kiện nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở; đồng thời, chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình quy định. Từ khi chuyển về trường mới, nhà trường cũng có điều kiện để thực hiện tốt việc xây dựng phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá thiết bị dạy học và học liệu, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, nhờ đó, chất lượng giáo dục cũng được nâng lên.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Bình Phước, hiện toàn tỉnh có hơn 430 trường học với khoảng 300.000 học sinh. Về cơ sở vật chất, toàn tỉnh có khoảng 8.000 phòng học, 1.000 phòng bộ môn, 800 phòng phục vụ học tập, hơn 600 phòng chức năng. Trong giai đoạn 2021-2025, Bình Phước cần hơn 5.100 tỷ đồng để xây thêm trường lớp, xóa phòng học tạm và mua trang thiết bị giáo dục, trong khi đó ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp cho nên rất cần các nguồn xã hội hóa hoặc hỗ trợ của các tỉnh trong khu vực. Tỉnh Bình Phước có Bù Ðăng là huyện tiếp giáp với khu vực Tây Nguyên. Ðiều kiện kinh tế, xã hội của huyện Bù Ðăng cũng có nhiều điểm tương đồng với khu Tây Nguyên là huyện vùng sâu, vùng xa đời sống kinh tế khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống… Tuy nhiên, huyện lại không được hưởng chế độ đầu tư như khu vực Tây Nguyên. Do đó, hiện nay hạ tầng thiết yếu như, điện, đường, trường, trạm cần được đầu tư nâng cấp. Ngoài nguồn kinh phí tỉnh đầu tư, huyện Bù Ðăng cũng kêu gọi các nguồn xã hội hóa để sớm xây dựng hạ tầng thiết yếu nhất là trường lớp. Vừa qua, Tập đoàn FPT đã tài trợ xây dựng điểm trường thôn 6, Trường mẫu giáo Hoa Mai tại xã Bình Minh. Ðây là điểm trường nằm gần sát khu vực hồ thủy điện Thác Mơ, đường đến điểm trường chủ yếu là đường mòn, đất đỏ. Mỗi ngày, nhiều em học sinh và giáo viên phải băng qua hơn 15km, mùa nắng thì bụi, mùa mưa sình lầy. Ðiểm trường thiếu thốn nhiều cơ sở vật chất, khiến cho việc dạy và học của thầy trò, cũng như sinh hoạt của các em ở độ tuổi từ 3-5 gặp nhiều khó khăn. Sau khi khảo sát, Tập đoàn FPT hỗ trợ hơn một tỷ đồng đầu tư xây dựng mới một phòng học, một phòng giáo viên, hai nhà vệ sinh, tổng diện tích 115m2. Công trình hoàn thành sẽ cùng các điểm trường khác phục vụ cho việc dạy và học của 376 em học sinh; trong đó, có nhiều em là người dân tộc Xtiêng, Tày, Nùng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh, sự hỗ trợ của các tỉnh, thành phố và hoạt động thiện nguyện của các tổ chức có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho toàn thể giáo viên và học sinh dạy và học tốt hơn; đồng thời góp phần giảm bớt gánh nặng cho tỉnh trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở những vùng khó khăn, vùng biên giới...