Con đường gần hai chục cây số quanh hồ, không quá dài nhưng trong tầng sâu tâm thức của người Hà Nội, đó là nơi có thể cảm nhận được không gian lịch sử, văn hóa từ truyền thống tới hiện đại. Những tên đường cũ, mới đặt cho vùng đất thiêng này đều gợi những hoài niệm về bản sắc văn hóa kinh kỳ. Từ những địa danh cổ xưa như An Thái, An Thọ, Ðông Xã, Hồ Khẩu, Trích Sài, Võng Thị, hay Nghi Tàm, Quảng Bá, Yên Phụ… Và tên các danh nhân Việt Nam được đặt tên cho những con đường quanh hồ như Xuân Diệu, Ðặng Thai Mai, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Ðình Thi, Trịnh Công Sơn… gợi nhiều điều về vùng đất cổ. Thong dong một vòng quanh hồ, đi qua chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, đình Yên Phụ, chùa Kim Liên, chùa Tảo Sách, chùa Vạn Niên, đền Quán Thánh… Dừng một chút, chậm một chút là có thể cảm được sự tĩnh lặng và thanh tịnh nơi cửa Phật. Cuộc sống đã làm phôi pha phần nào không gian sống vừa giao hòa, vừa kín đáo và nét duyên đậm chất làng xưa, nhưng vẫn còn khác lắm so những ồn ào ngoài phố thị. Nhà đã có số, đường đã có tên, nhưng đi sâu vào các khu dân cư quanh hồ, dù già hay trẻ đều thân thiện dùng hai tiếng "làng tôi" khi giới thiệu với khách đến thăm. Rảnh thời gian, điều kiện, lân la chuyện với người già, sẽ được nghe về niềm tự hào xen nhiều nuối tiếc của người dân làng cổ về cái duyên của làng trong phố, về ký ức nghề truyền thống vang bóng một thời. Trong hồi tưởng ấy như còn vọng đâu trên sóng nước hồ Tây nhịp chày Yên Thái của nghề làm giấy dó; còn óng lên dáng kiều trong trang phục quần lĩnh, áo the… Bên những chén trà thơm, bao ký ức như sống lại dập dềnh theo con nước Tây Hồ.
Mùa này, hồ Tây đã ngát hương sen. Sen hồ Tây mang sắc hương không nơi nào có được. Sự phát triển của đô thị đã thu hẹp dần không gian, diện tích hồ sen, nhưng vẫn đủ để người Hà Nội yêu nét xưa lên hồ thưởng ngoạn. Ðiều đặc biệt ở sen hồ Tây không bởi sinh ra giữa chốn địa linh, mà còn mang nét khác biệt trong mỗi búp, bông mềm mại. Sen cánh mỏng, xếp nhiều lớp rất mềm, có mầu hồng nhẹ, ánh xanh, không đỏ đậm như sen trồng ở nơi khác. Trong mát lành những buổi sớm mai, người làng đi thuyền quanh đầm, thu hái những bông đang độ đẹp nhất, mang lên, bọc lại trong từng lá sen già. Mỗi bó kèm theo những chiếc lá non còn đang e ấp. Các bà, các chị và chẳng thiếu các chàng thanh niên kiên nhẫn đứng chờ để mong có được những bông sen hồ Tây ngát hương, mang về thưởng thức. Người làng Nghi Tàm, Quảng Bá mãi tự hào có nghề ướp trà sen. Những bông sen hàm tiếu được hái khi mặt trời chưa lên, hé nở vừa độ. Trà ngon từ vùng cao phía bắc được lựa kỹ càng. Mỗi bông hoa ôm một lượng trà vừa đủ, được bọc trong một chiếc lá sen xanh. Ngày xưa, bông ấy được bọc lại bằng giấy bản trước khi bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh, nhưng nay người làng dùng công nghệ hút chân không, giữ hương, vị tốt hơn và để được lâu hơn. Ướp một bông trà sen đã kỳ công, nhưng pha một ấm trà cũng chẳng kém phần tinh tế. Nhấp một ngụm trà mà lòng lắng lại, để nghe trong xa xôi một thuở kinh kỳ. Trà sen Tây Hồ, ai đã một lần thưởng sẽ chẳng thể quên, nhất là với người Hà Nội xa quê mỗi độ nhớ về…