Hình tượng người mẹ trong thi ca Việt Nam

NDO - Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ và nhà thơ Bình Nguyên Trang đã có những chia sẻ chân thành, xúc động về tình mẫu tử, về hình tượng người mẹ trong thi ca Việt trong tọa đàm cùng tên diễn ra ngày 7/3 tại Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Buổi tọa đàm nhận được sự hưởng ứng của đông đảo giáo viên và các em học sinh.
Buổi tọa đàm nhận được sự hưởng ứng của đông đảo giáo viên và các em học sinh.

Hướng tới Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và hưởng ứng tinh thần tri ân người phụ nữ, tọa đàm “Hình tượng người mẹ trong thi ca Việt” diễn ra tại Trường phổ thông Liên cấp Alfred Nobel (Hà Nội).

Hàng trăm em học sinh hào hứng lắng nghe và thích thú khi có dịp giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa hay nhà thơ Bình Nguyên Trang, cây bút có nhiều tác phẩm đặc sắc về tấm lòng người mẹ đối với con mình...

Tại tọa đàm, nhà thơ Trần Đăng Khoa không chỉ nhắc đến những bài thơ ông viết với cảm hứng từ tình yêu và lời dạy của mẹ, mà cả những kỷ niệm sâu sắc về người mẹ của mình.

Ông nói: “Mẹ tôi là một phụ nữ không biết chữ, chưa bao giờ được đi học. Nhưng bà thuộc lòng “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, rồi nhờ đó mà bà lần theo mặt chữ, tự học để đọc được sách báo, tiểu thuyết. Cũng từ những câu thơ, những lời ru mà bà dạy cho các con thuộc “Truyện Kiều”, dạy chúng tôi biết thương cô Kiều. Tôi viết rất tự nhiên từ những bài học của mẹ. Nhà tôi có 4 anh em, thì 3 trong số đó sau này đều biết làm thơ".

Qua lời kể của nhà thơ Trần Đăng Khoa, hình ảnh mẹ ông hiện lên là một người phụ nữ Bắc Bộ điển hình của thời trước, tảo tần, chịu thương chịu khó, thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ Việt Nam, và đặc biệt bà luôn dạy con biết quan tâm, biết yêu thương vạn vật từ cái cây, con gà, con chim...

Ông kể lại kỷ niệm về bài thơ “Đánh thức trầu” của mình. Đó là một buổi tối, bà ngoại Trần Đăng Khoa sang chơi, mẹ của nhà thơ bảo con ra vườn hái trầu cho bà. Bà bảo: "Con phải vặn to ngọn đèn lên, để cây trầu nó nhận ra chủ chứ không phải ăn trộm, rồi con phải đọc mấy câu này đánh thức nó dậy đã rồi mới được hái: Trẩu trẩu trầu trầu/Mày làm chúa tao/Tao làm chúa mày/Tao không hái ngày/Thì tao hái đêm… Không nói như vậy, giàn trầu sẽ lụi”.

Một bài thơ khác của nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng được nhiều bạn đọc yêu thích là “Mẹ ốm”. Khi được một học sinh hỏi về bối cảnh, cảm xúc khi sáng tác bài thơ này, ông khiến cả khán phòng vừa thấy hài hước, vừa cảm động với cái nhìn của cậu bé 10 tuổi khi ấy. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã kết luận rằng tình yêu đối với người mẹ là một đề tài lớn trong mọi loại hình văn học nghệ thuật, không riêng gì thi ca và viết về mẹ bao giờ cũng hay.

Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ tóm lược hình ảnh người mẹ trong thi ca Việt Nam, từ những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ cho đến những vần thơ thời kháng chiến rồi những tác phẩm hiện đại. Kể cả trong thời đại mạng xã hội lên ngôi, thông tin đa dạng, thì rất nhiều người trẻ vẫn biết và thuộc hai câu trong bài “Con cò” của nhà thơ Chế Lan Viên: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”, bởi đó những vần thơ bất hủ, viết về mẹ với những cảm xúc sâu đậm, thiết tha nhất.

Trong thơ Việt hiện đại có nhiều nhà thơ nữ viết về đề tài này, tiến sĩ Đỗ Anh Vũ nhấn mạnh. Họ viết về tình yêu vô bờ bến dành cho con, về những lời răn dạy con nên người, qua đó cũng thể hiện hình tượng của mọi người mẹ Việt Nam. Chẳng hạn như nhà thơ Xuân Quỳnh với bài “Lời ru”, “Mẹ và con”..., nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ với bài “Khúc hát ru của người mẹ trẻ”, nhà thơ Phi Tuyết Ba với bài “Phép chia không có lỗi”... Nhà thơ Bình Nguyên Trang tham gia tọa đàm cũng là một tác giả nữ có những bài thơ sâu sắc về mẹ, về tình cảm mẹ con như “Gửi mẹ”, “Lời của mẹ”...

Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, cuộc thi thơ “Viết về mẹ” dành cho học sinh phổ thông đã vinh danh các em đoạt giải cao nhất. Bà Phùng Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường phổ thông liên cấp Alfred Nobel, đại diện Ban Tổ chức, bày tỏ: “Nuôi dưỡng cảm xúc để gieo những vần thơ đẹp là một ý tưởng để đưa văn chương đến gần với các em học sinh hơn. Nhân dịp chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, cuộc thi thơ với chủ đề "Thơ về mẹ" đã được phát động và nhận được nhiều tác phẩm hay, ý nghĩa đến từ các bạn học sinh”.