Nhiều phụ huynh nhận được cuộc gọi lừa đảo
Cụ thể, trên diễn đàn lớn về giáo dục, chị Lê Thanh Tuyền chia sẻ: “Chiều nay, 13/3, lớp con tôi có phụ huynh nhận được cuộc gọi thông báo về việc học sinh bị ngã trong tiết Thể dục và yêu cầu chuyển tiền để phẫu thuật. Rất may, phụ huynh đã trao đổi trực tiếp với giáo viên nên không bị lừa”.
Chị H.K, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên ngoại ngữ kể lại, cùng ngày, chị cũng nhận được một cuộc gọi từ số máy 076.986.13xx. Từ đầu dây bên kia, một đối tượng cho hay con chị đã bị ngã cầu thang bị hôn mê và phải phẫu thuật não gấp. Đối tượng yêu cầu chị chuyển tiền và ủy quyền để mổ.
“Rất may, đúng thời điểm này tôi đang nói chuyện với cháu qua mạng xã hội nên không mắc bẫy. Các đối tượng lừa đảo quá ác khi sẵn sàng đưa ra câu chuyện như thế”, chị K. bức xúc.
Thông tin về các cuộc gọi lừa đảo và cảnh báo của nhà trường. (Ảnh chụp màn hình) |
Nhận cuộc gọi từ đầu số 070.890.53xx, chị N.H, phụ huynh có con đang theo học tại Trường Phan Đình Phùng cho biết, thủ đoạn của những kẻ lừa đảo là thông tin rằng học sinh bị tai nạn và phải cấp cứu tại Bệnh viện 354. Chúng yêu cầu phải chuyển khoản tiền để làm các thủ tục điều trị. Thậm chí, các đối tượng còn dàn dựng cả tiếng còi hú xe cấp cứu, tiếng y tá, bác sĩ để tạo dựng lòng tin.
Một phụ huynh khác thậm chí còn cho biết, sau khi gọi điện thông tin, các đối tượng còn chuyển máy cho một người tự xưng là… bác sĩ để trò chuyện tiếp.
“Tôi rất hoảng nhưng vẫn thấy nghi ngờ vì bình thường các con bị làm sao thì giáo viên chủ nhiệm đều trực tiếp thông báo. Do đó, tôi gọi lại cho cô giáo thì biết con vẫn đang trong lớp. Các phụ huynh rơi vào tình trạng tương tự nên tỉnh táo để xác minh”, vị phụ huynh này chia sẻ.
Các phụ huynh cần hết sức cảnh giác với các cuộc gọi lừa đảo. (Ảnh minh họa) |
“Rất nhiều phụ huynh tại trường đã nhận được cuộc gọi lừa đảo vào chiều nay, 13/3. Chúng tôi đã tới tận trường để xác minh và rất mừng vì các con vẫn bình an và đang học tập bình thường”, chị H. thông tin.
“Cứ tưởng lừa đảo chừa mình ra. Hôm nay đang ngồi thì có cuộc gọi điện thoại tới, giọng nghiêm trọng hỏi mình có phải là phụ huynh của bạn nhà mình không. Sau đó, bên đầu dây bảo con mình bị ngã cầu thang. Mình có hỏi lại chi tiết thì tắt máy. Định vị điện thoại thì bạn nhà mình vẫn ở nhà, gọi điện thì không có vấn đề gì xảy ra”, anh C.L, một phụ huynh chia sẻ lại trải nghiệm vừa xảy ra của mình.
Nhiều phụ huynh cũng tỏ ra bất ngờ khi số điện thoại, thông tin cá nhân của các học sinh đều bị các đối tượng nắm được chính xác. Họ cho rằng, các trường cần tăng cường hơn nữa công tác bảo mật thông tin để tránh việc các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo.
Phụ huynh và nhà trường cần làm gì?
Liên quan tình trạng lừa đảo nói trên, một loạt các trường học trên địa bàn Hà Nội đã lên tiếng cảnh báo.
Cụ thể, trường Marie Curie đã đưa ra khuyến cáo: “Khi có sự việc bất thường xẩy ra đối với học sinh, giáo viên chủ nhiệm sẽ liên lạc trực tiếp đến phụ huynh. Nếu cần tiền để làm thủ tục nhập viện, nhà trường sẽ chủ động thu xếp, phụ huynh không phải chuyển tiền cho bất kỳ ai”.
Tương tự, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ gửi tin nhắn đến các phụ huynh khẳng định: Hiện nay có hiện tượng kẻ xấu mạo danh giáo viên gọi điện thông báo con bị tai nạn giao thông và yêu cầu phụ huynh chuyển tiền. Đề nghị quý phụ huynh cảnh giác và gọi điện cho thầy, cô chủ nhiệm để kiểm chứng.
Khi nhận được các cuộc gọi nghi lừa đảo, các phụ huynh nên kiểm tra, đối chứng với giáo viên chủ nhiệm trước khi chuyển tiền. (Ảnh minh họa) |
Trong khi đó, một chuyên gia về giáo dục cho rằng, nhà trường và các giáo viên cần nêu cao trách nhiệm bảo mật thông tin cá nhân của học sinh, phụ huynh tránh để kẻ xấu lợi dụng lừa đảo. Bên cạnh đó, giáo viên phải rà soát, điểm danh sĩ số đầu giờ, thông báo lên nhóm phụ huynh số lượng học sinh có mặt ở lớp hằng ngày; đồng thời thiết lập đường dây nóng khi cần thông báo các vụ việc khẩn đến phụ huynh học sinh và tiếp nhận thông tin khi có tình trạng khẩn cấp.
Về phía phụ huynh cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo của tội phạm. Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin trường lớp của các con; thông tin việc làm, địa chỉ cơ quan của bố mẹ, người thân… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.
Ảnh minh họa. |
Ngoài ra, các phụ huynh cũng cần kiểm tra thông tin kỹ càng, chính xác trước khi thực hiện hoạt động chuyển tiền, có thể yêu cầu xác nhận qua video trực tuyến, tuyệt đối không chuyển tiền cho người lạ. Nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để tiếp nhận giải quyết.
Trước đó, hàng loạt phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh đã bị lừa hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng cũng với hình thức tương tự.