Những bức tranh đã ngả màu năm tháng, dường như vẫn còn nguyên dấu vết của một thời đạn bom gian khó, phần nào cho thấy được sự khốc liệt của cuộc chiến và tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân dân ta, những điều mà thế hệ ngày nay khó có thể hình dung được. Tranh phần lớn in đá, khắc gỗ, một số ít in trên đất, trên giấy dó thô, sần sùi, giấy giang, hoặc giấy làm từ tre, nứa, giấy tự sản xuất…, nhưng theo một họa sĩ trẻ có mặt tại Bảo tàng, đây là loại giấy dó chất lượng rất tốt, thậm chí tốt hơn bây giờ nhiều, bởi không bị lẫn nhiều tạp chất như bây giờ.

Nội dung của những bức tranh phần lớn đơn giản, súc tích, đi thẳng vào tâm trí người xem, theo phương pháp kể chuyện. “Tất cả nhân tài vật lực dốc vào tăng gia sản xuất, mỗi cử tri phải làm được 2 kí lô thực phẩm” (họa sĩ Hoàng Kiệt, do Nông dân Cứu quốc Liên khu V phát hành), “Gặt cho nhanh cất cho kỹ” (Ty Thông tin Tuyên Quang phát hành, phát hành năm 1948), “Tinh thần hy sinh các chiến sĩ và đồng bào toàn quốc muôn năm” (Ty Thông tin Hòa Bình phát hành năm 1948)… Cũng có những bức mang tính hình tượng, như “Bác bảo thắng là thắng”, “1954-1984 Điện Biên Phủ”…
Thời kỳ này, do điều kiện chiến tranh, khó khăn, phần lớn tranh cổ động đều chỉ được sáng tác bằng tay, dụng cụ thô sơ, nhưng ngôn ngữ mang đậm tính hình tượng kết hợp với cách sử dụng màu sắc đậm chất dân gian truyền thống, các họa sĩ đã sử dụng thành công tranh cổ động như một công cụ truyền tải chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chuyển tải quyết tâm, ý chí và hành động của cả dân tộc, phản ánh chân thực mọi mặt đời sống xã hội lúc bấy giờ, cũng như cổ vũ toàn dân, toàn quân vững tin vào cuộc kháng chiến.
Phần lớn các bức tranh là khuyết danh, theo như chú giải của Bảo tàng, nhiều họa sĩ thời đó coi phục vụ kháng chiến là niềm hạnh phúc của họ, và coi công sức của mình nằm trong công sức của nhiều người, cho nên không ký vào tranh.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng như Phan Kế An, Diệp Minh Châu, Ngô Mạnh Lân… được trưng bày trong triển lãm. Nhiều tác phẩm ký họa của các họa sĩ này cũng được giới thiệu, như “Chân dung chiến sĩ Điện Biên” của họa sĩ Ngô Mạnh Lân, “Ký họa đồng chí Hoàng Quốc Việt trên đường hành quân nghỉ chân trên đỉnh núi Hồng của họa sĩ Phan Kế An, tập ký họa và bút ký của họa sĩ Diệp Minh Châu…

Người xem tự in các bản tranh cổ động. Ảnh: THÙY LINH.
Một trong những điểm thú vị của triển lãm là khách tham quan còn được tự tay in cho mình một bức ký họa của các họa sĩ làm kỷ niệm, với bàn in đá và giấy dó, hoàn toàn thủ công. Đồng thời, ngoài các bức tranh trưng bày tại triển lãm, hàng loạt bức ký họa dạng được lưu dưới dạng bản điện tử cũng được trưng bày phục vụ người xem.

Họa sĩ Ngô Mạnh Lân tại triển lãm.
Là một trong số ít họa sĩ có mặt tại triển lãm, họa sĩ lão thành Ngô Mạnh Lân bùi ngùi chia sẻ những kỷ niệm khó quên về những ngày ông góp mặt trên chiến trường Điện Biên Phủ: “Hồi đó tôi còn trẻ lắm, mới 20 tuổi thôi, năm 1954 có đi theo Trung đoàn Thủ đô và chiến trường. Đồng chí chính ủy Trung đoàn có tặng tôi một tấm vải dù, và tôi đem tặng lại cho Bảo tàng. Những ngày tháng ở Điện Biên, tôi chỉ “chiến đấu” bằng cây bút vẽ chứ không cầm súng. Những tác phẩm tranh cổ động tôi sáng tác ngay trong thời gian ở chiến trường Điện Biên không nhiều, chủ yếu là ký họa, trong đó có bức biếm họa “Chuyện Tây ở Điện Biên Phủ”, cũng được trưng bày tại triển lãm này. Chính quãng thời gian này đã giúp rất nhiều cho việc sáng tác của tôi sau này, lưu dấu ấn trong nhiều tác phẩm như “Chiến sĩ Điện Biên”, “Đồi A1”.
Tranh ký họa "Chân dung chiến sĩ Điện Biên" của họa sĩ Ngô Mạnh Lân.
Họa sĩ Ngô Mạnh Lân cũng kể lại, nhiều tác phẩm ông sáng tác trong quá trình đi theo bộ đội, giờ đã thất lạc nhiều, chẳng hạn như tập ký họa “Mở đường của bộ đội”, ngày nay không còn bức nào. Đó là điều vô cùng đáng tiếc, tuy nhiên, điều quý báu nhất còn lại với ông, là những tháng ngày trải nghiệm “khoét núi ngủ hầm, máu trộn bùn non” cùng quân và dân, đó là tài sản vô giá của riêng ông gắn liền với những trang sử về một giai đoạn đầy tự hào của đất nước.