Hình ảnh, vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn ngày càng được khẳng định

NDO -

Ngày 11/1, tại Hà Nội đã khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lần thứ 10 (khóa XII). Tới dự, có đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động tặng các đồng chí lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động tặng các đồng chí lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động cho biết: Năm 2021 là năm diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện có ý nghĩa, quyết định đến sự phát triển của tổ chức công đoàn. Trong đó, có Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” được ban hành, thể hiện sự quan tâm, kỳ vọng của Đảng đối với tổ chức công đoàn Việt Nam. 

Dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, diễn biến phức tạp, khó lường trong năm 2021, việc làm, đời sống người lao động bị ảnh hưởng nặng nề; nảy sinh một số vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, các cấp công đoàn đã có những điều chỉnh trong chỉ đạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, vừa duy trì các mặt hoạt động thường xuyên định kỳ, đồng thời chăm lo, hỗ trợ tốt cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực, đa dạng, hướng tới các đối tượng, phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh và các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ. 

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài cho biết, năm 2021, dịch Covid-19 kéo dài, bộc lộ rõ thêm một số vấn đề vốn là bức xúc của công nhân lao động: nhà ở, thu nhập và tích lũy của công nhân, người lao động; duy trì, bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động… Trong bối cảnh khó khăn đó, Công đoàn Việt Nam với tinh thần chủ động, sáng tạo, nỗ lực cố gắng, linh hoạt điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ, thể hiện rõ vai trò là tổ chức đại diện cho quyền lợi của công nhân lao động, sát cánh cùng người lao động, người sử dụng lao động trong công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn tại nơi làm việc. Đồng thời, có nhiều hoạt động, giải pháp hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động, từ tham gia xây dựng, đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động, tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động bằng nguồn tài chính công đoàn và nguồn vận động xã hội hóa với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo.

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài khẳng định: Vai trò của tổ chức công đoàn cùng với tinh thần chủ động, sự dấn thân của đội ngũ cán bộ công đoàn đã đóng góp vào kết quả chung của cả nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội, được người lao động, doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị-xã hội đánh giá, ghi nhận. Đó thật sự là điều rất đáng trân trọng, vui mừng và tự hào. Qua khó khăn, hình ảnh, vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn tiếp tục được khẳng định, thể hiện rõ hơn bao giờ hết.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị: Năm 2022, các cấp Công đoàn chủ động, tích cực phối hợp các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

Việc phát triển tổ chức và đoàn viên phải xác định là một trong những nhiệm vụ sống còn, đặc biệt, trước thách thức rất lớn khi Việt Nam thực hiện cam kết quốc tế. Đó là các doanh nghiệp sẽ có tổ chức đại diện khác của người lao động cùng tồn tại đồng thời với Công đoàn Việt Nam. Công đoàn Việt Nam phải có mặt sớm nhất, hiệu quả nhất, là tổ chức đại diện tốt nhất và lớn nhất cho người lao động tại các doanh nghiệp, là cầu nối quan trọng giữa Đảng với giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam.

Bên cạnh đó, Công đoàn cần chú trọng làm tốt công tác tham gia xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cho người lao động; quan tâm thực hiện tốt chức năng đại diện người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao đời sống người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong tổ chức các phong trào thi đua. Phong trào thi đua phải phù hợp với từng loại hình và từng đối tượng, khích lệ, động viên đoàn viên, người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh thi đua phục hồi sản xuất, khắc phục hậu quả dịch bệnh, qua đó góp phần bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.