Hiểu rõ hơn về “bán đứt” bản quyền tác phẩm âm nhạc

NDO - Hội thảo Bản quyền âm nhạc VCPMC 2023 do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phối hợp với Công ty Meta thực hiện là dịp để các tác giả hiểu hơn và nắm rõ thông tin trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả - quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc, đặc biệt là trên nền tảng số. Một trong những nội dung được chú ý của Hội thảo là “bán đứt” bản quyền tác phẩm âm nhạc, vốn hay gặp tranh cãi khi có xung đột quyền lợi giữa các bên.
0:00 / 0:00
0:00
Các diễn giả chia sẻ về bảo vệ bản quyền trong âm nhạc. (Ảnh: VCPMC)
Các diễn giả chia sẻ về bảo vệ bản quyền trong âm nhạc. (Ảnh: VCPMC)

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) là một trong những CMOs (Tổ chức Quản lý quyền Tập thể) đầu tiên được thành lập tại Việt Nam. Trung tâm đã đồng hành cùng nhiều tác giả trong việc bảo vệ bản quyền sản phẩm âm nhạc của mình trong nhiều năm qua.

Trong suốt quá trình đồng hành cùng với các tác giả, nhạc sĩ thành viên của Trung tâm, đặc biệt là trong quá trình hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các thành viên, Trung tâm nhận thấy, có một vấn đề luôn luôn được quan tâm và đề cập, liên quan đến việc sáng tác, phổ biến, sử dụng và khai thác tác phẩm - đó là nội dung xoay quanh các thỏa thuận về bán đứt và chuyển giao quyền tác giả.

Trên thực tế, vấn đề này đã vấp phải khá nhiều tranh chấp phát sinh và hệ quả pháp lý khó kiểm soát, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của chính tác giả.

Chia sẻ về vấn đề “bán đứt và chuyển giao quyền tác giả, căn cứ pháp lý, những vấn đề thực tiễn và hệ quả pháp lý”, ông Mai Thanh Huy, chuyên viên Pháp chế của VCPMC đã nhấn mạnh đến quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc, việc sử dụng quyền tác giả và ủy quyền để quản lý, bảo vệ quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc; các hình thức chuyển giao quyền tác giả theo quy định của pháp luật Việt Nam, thực tiễn và hệ quả pháp lý.

Ông Mai Thanh Huy cũng đề cập đến các vấn đề chuyển nhượng quyền tác giả (liên quan đến quyền sở hữu), trong đó có chuyển giao quyền tác giả có thời hạn và cấp quyền sử dụng độc quyền tác phẩm; việc bảo lưu quyền tác giả khi hợp tác với các đơn vị sản xuất, phát hành.

Khi mỗi cá nhân tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đều thống nhất ủy quyền cho một CMOs thì sức mạnh của CMOs sẽ được đẩy lên, nhằm bảo vệ tốt hơn cho các tác giả; ổn định thị trường sử dụng âm nhạc và hoạt động quản lý quyền.

Ông Mai Thanh Huy -VCPMC

Thông điệp mà VCPMC muốn gửi đến các tác giả, nhạc sĩ thành viên là: “Khi mỗi cá nhân tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đều thống nhất ủy quyền cho một CMOs thì sức mạnh của CMOs sẽ được đẩy lên, vì đó chính là sức mạnh của sự liên minh, liên kết, sức mạnh tập thể… nhằm bảo vệ tốt hơn cho các tác giả; ổn định thị trường sử dụng âm nhạc và hoạt động quản lý quyền; giúp tác phẩm được phổ biến, lan tỏa rộng rãi hơn, đồng thời bảo đảm quyền thụ hưởng của công chúng; tối ưu lợi ích một cách lâu dài và xứng đáng cho chính tác giả”.

Từ góc nhìn của người làm về vấn đề bảo vệ quyền tác giả âm nhạc quốc tế, dưới góc độ pháp lý, ông Benjamin NG (Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương CISAC-Liên minh quốc tế các hiệp hội Tác giả và Nhà soạn nhạc) cho rằng, sự phổ biến của các điều khoản “bán đứt”, đặc biệt là ở các quốc gia cho phép cơ chế "tác phẩm theo đơn đặt hàng" như Hoa Kỳ, đặt ra những thách thức đối với người sáng tạo.

Còn theo quan điểm toàn cầu, cơ chế “bán đứt” mở rộng ra khỏi các nền tảng SVOD (thuê bao video theo yêu cầu) và ảnh hưởng đến nhiều hình thức khai thác khác nhau như truyền hình, quảng cáo, video game và ghi âm âm nhạc.

Một số vùng lãnh thổ, như Liên minh châu Âu (EU), có các quy định chống “bán đứt”, nhưng thường được tránh né qua những rủi ro pháp lý hoặc việc không thực hiện.

Ông Benjamin NG - Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương CISAC

Đứng ở góc độ lập luận pháp lý và thực tế để bảo vệ tác giả, có các quy định chống “bán đứt”. Một số vùng lãnh thổ, như Liên minh châu Âu (EU), có các quy định chống “bán đứt”, nhưng thường được tránh né qua những rủi ro pháp lý hoặc việc không thực hiện. Người sáng tạo nên thương lượng hợp đồng cẩn thận, xem xét thời gian, phạm vi và bồi thường cho công việc của họ.

Ông Benjamin NG cũng cho biết, các nỗ lực hợp tác trên phạm vi toàn cầu có thể thiết lập các tiêu chuẩn bảo vệ quyền của người sáng tạo trên toàn cầu. “‘Nhạc của bạn - Tương lai của bạn’ đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền cho người sáng tạo về quyền lợi của họ, sức ảnh hưởng trong quá trình đàm phán và hậu quả tiềm ẩn của việc “bán đứt”. Trong khi các đề xuất toàn cầu cung cấp một khung cảnh rộng lớn, các phương tiện và chiến lược để giải quyết tình huống pháp lý của từng khu vực. Chiến dịch tuyên truyền và tăng cường nhận thức đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người sáng tạo điều hướng các điều khoản hợp đồng một cách hiệu quả và bảo vệ quyền lợi của họ” ông nói.

Để tối ưu hóa nguồn thu cũng như bảo đảm quyền và lợi ích của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, các nhạc sĩ nên đăng ký bản quyền với một CMOs, cụ thể là VCPMC để bảo đảm tính minh bạch cũng như để tối ưu hóa được dữ liệu và nguồn thu.

Ông Jason Foulkes - Công ty Meta

Ông Jason Foulkes, Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh Âm nhạc khu vực châu Á Thái Bình Dương (Công ty Meta) nhấn mạnh, để tối ưu hóa nguồn thu cũng như bảo đảm quyền và lợi ích của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, các nhạc sĩ nên đăng ký bản quyền với một CMOs, cụ thể là VCPMC “để bảo đảm tính minh bạch cũng như để tối ưu hóa được dữ liệu và nguồn thu của mình”.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc VCPMC khẳng định: “Trong xu hướng phát triển công nghệ số hiện nay, âm nhạc phát triển rất mạnh mẽ và nhanh chóng trong môi trường và không gian kỹ thuật số rộng rãi trên toàn cầu. Điều này đã có tác động lan tỏa đến sự phát triển ngành công nghiệp âm nhạc; đồng thời sự ra đời và hoạt động của nhiều nền tảng ứng dụng, mạng xã hội (trong đó có mạng Facebook) đã thực sự mang tới một sự cộng hưởng không thể thiếu để âm nhạc được lan tỏa hơn, thúc đẩy sức sáng tạo dồi dào hơn, quyền thụ hưởng của công chúng cũng đạt được hiệu quả hơn”.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cũng khẳng định: “Chúng tôi tin rằng những thông tin và trao đổi hữu ích tại đây góp phần tối ưu hóa hiệu quả khai thác bản quyền và nội dung âm nhạc, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đem lại lợi ích kinh tế cho các bên liên quan trong mối quan hệ cộng hưởng này. Đồng thời, thông qua các phương tiện truyền thông cũng sẽ truyền tải thông tin và những thông điệp nhiều ý nghĩa đến với các đối tác, nhạc sĩ, tác giả thành viên của VCPMC trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam”.