Hiệu quả từ phân công cấp ủy dự sinh hoạt chi bộ thôn, xóm

Xem xét, đánh giá, xếp loại đảng viên là cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu qua kết quả dự sinh hoạt chi bộ thôn, tổ dân phố trên địa bàn mình phụ trách, là giải pháp được Tỉnh ủy Nam Định chú trọng thời gian qua. Việc này nhằm khắc phục tình trạng cán bộ, đảng viên không nắm chắc tình hình cơ sở, thờ ơ trước những khó khăn, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, đảng viên thôn Phúc Xá, xã Yên Cường, huyện Ý Yên (Nam Định) trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Cán bộ, đảng viên thôn Phúc Xá, xã Yên Cường, huyện Ý Yên (Nam Định) trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Thực tiễn tại Nam Định cho thấy, việc duy trì nghiêm nền nếp dự sinh hoạt chi bộ ở cơ sở đã góp phần tích cực xây dựng tác phong công tác, ý thức trách nhiệm của đảng viên là cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu.

Hướng mạnh về cơ sở

Phát huy lợi thế là địa bàn có hệ thống giao thông thuận tiện với 4 tuyến quốc lộ; tuyến đường sắt bắc-nam và tuyến sông Đào đi qua cùng nhiều di tích lịch sử văn hóa..., giai đoạn 2020-2025, huyện Vụ Bản đặt mục tiêu trở thành vùng trọng điểm công nghiệp của tỉnh.

Đồng chí Đỗ Xuân Tú, Phó Bí thư Huyện ủy Vụ Bản cho biết, là vùng thuần nông, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao của huyện phải đối mặt không ít khó khăn, nhất là công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng bởi liên quan quyền và lợi ích của các tổ chức, gia đình đang sử dụng đất. Một giải pháp được Huyện ủy thực hiện khá hiệu quả là hướng mạnh về cơ sở.

Cùng với tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu về công tác dân vận, Vụ Bản đề cao vai trò, trách nhiệm, phân công cấp ủy viên, đảng viên là cán bộ chủ chốt dự sinh hoạt chi bộ ở thôn, xóm, khu dân cư, tổ dân phố. Thực tiễn công tác này thời gian qua cho thấy, những dịp đi cơ sở, quan sát, tiếp xúc, lắng nghe và đối thoại với đảng viên và quần chúng nhân dân đã giúp mỗi cấp ủy cấp trên nắm rõ hơn tình hình, hiểu sâu sắc hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tham mưu để có quyết sách phù hợp; lãnh đạo thực hiện đạt hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Từ năm 2020 đến nay, huyện đã thực hiện 14 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng diện tích thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đạt hơn 153ha. Nhiều dự án trọng điểm, có diện tích đất phải thu hồi lớn, như các dự án: mở rộng Khu công nghiệp Bảo Minh tại các xã Liên Minh, Kim Thái; tuyến đường Tân Khánh-Liên Bảo đi qua địa bàn 6 xã; xây dựng trạm biến áp 110kV; xây dựng các khu, điểm dân cư ở các xã Kim Thái, Vĩnh Bảo, Hiển Khánh, thị trấn Gôi;... đều được đông đảo cán bộ, đảng viên, người dân đồng tình ủng hộ.

Hiện toàn huyện có hơn 250 doanh nghiệp, hàng chục chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động cùng hàng nghìn hộ sản xuất, kinh doanh thu hút việc làm ổn định cho thêm hàng chục nghìn lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện tăng bình quân 26,34%/năm. Năm 2022 giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt hơn 9.840 tỷ đồng, tăng hơn 24,2% so với năm 2021; giá trị thương mại, du lịch đạt hơn 1.540 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm trước đó.

Việc các đồng chí tỉnh ủy viên, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh về dự sinh hoạt với các chi bộ thôn, xóm, khu dân cư không những giúp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân, lắng nghe, kịp thời chia sẻ và gợi mở các phương án giải quyết, tạo nên sự gắn bó mật thiết, sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng dân” mà còn góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu ở các tổ chức cơ sở đảng.

Đồng chí Trương Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nam Định

Đồng chí Trương Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nam Định chia sẻ: Việc các đồng chí tỉnh ủy viên, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh về dự sinh hoạt với các chi bộ thôn, xóm, khu dân cư không những giúp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân, lắng nghe, kịp thời chia sẻ và gợi mở các phương án giải quyết, tạo nên sự gắn bó mật thiết, sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng dân” mà còn góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu ở các tổ chức cơ sở đảng.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số đồng chí chưa gương mẫu thực hiện nghiêm việc này. Trách nhiệm giải quyết công việc của một số cấp ủy còn chậm, chưa dứt điểm, có việc còn kéo dài. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thành phố chưa chặt chẽ, nên hiệu quả giải quyết kiến nghị của cán bộ, đảng viên ở cơ sở còn hạn chế... Ðể siết chặt kỷ cương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp tỉnh bảo đảm nền nếp định kỳ dự sinh hoạt chi bộ thôn, tổ dân phố, chi bộ cơ quan, đơn vị thuộc đảng bộ cấp huyện mà mình phụ trách.

Các cơ quan, đơn vị tạo thuận lợi cho các đồng chí đi dự sinh hoạt chi bộ ở cơ sở. Từng đồng chí báo cáo kết quả dự sinh hoạt chi bộ bằng văn bản theo quy định, trong đó nêu rõ tình hình chi bộ, những vấn đề đảng viên quan tâm, kiến nghị, nêu nhận xét và có đề xuất đối với những việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trên. Thực hiện chế độ báo cáo cũng như kết quả chỉ đạo giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc họp là căn cứ quan trọng để đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên. Với tinh thần nêu trên, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy trực thuộc cũng chú trọng hơn việc thực hiện ở cấp mình.

Nhiều ý kiến tâm huyết của đảng viên

Trong dịp về xã Yên Cường, huyện Ý Yên và dự sinh hoạt thường kỳ của Chi bộ thôn Phúc Xá mới đây, chúng tôi càng thấy rõ hiệu quả của việc chi bộ thôn, xóm có các đồng chí cấp ủy cấp trên cùng dự. Nổi bật là không khí cởi mở, chân thành, dân chủ trong sinh hoạt được phát huy, mọi cán bộ, đảng viên bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và những sáng kiến, kinh nghiệm thiết thực.

Những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, chi bộ đều thảo luận, trao đổi thẳng thắn trước khi biểu quyết. Tại cuộc họp, căn cứ vào tình hình thực tế của cơ sở, các đồng chí cấp ủy cấp trên gợi mở các vấn đề để đảng viên cùng thảo luận, để chi bộ tiếp tục thực hiện thời gian tới. Đồng thời giải đáp một số ý kiến được cán bộ, đảng viên, nhân dân trong chi bộ quan tâm như: phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ thương mại, bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu,…

Đồng chí Đỗ Văn Biển, Bí thư Chi bộ thôn Phúc Xá chia sẻ: Hiệu quả sinh hoạt chi bộ được nâng lên, cụ thể là nghị quyết đã sát thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Những năm gần đây, đời sống của bà con trong thôn đã được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Thôn đạt tiêu chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

“Tham dự sinh hoạt với chi bộ nhiều thôn, xóm và trao đổi với nhiều đảng viên ở các chi bộ cũng giúp tôi nắm bắt thêm những vấn đề liên quan tình hình quản lý đất đai trên địa bàn”, đồng chí Đinh Đức Tuyến, Bí thư Huyện ủy Ý Yên nói và nêu thí dụ ở xã Yên Cường.

Theo đó, xã hiện có gần 60% số người được giao đất sản xuất nông nghiệp nay đã mất hoặc sinh sống nơi khác nhưng vẫn sở hữu đất sản xuất nông nghiệp, trong khi 50% số dân sinh ra sau năm 1995 của xã đến nay không có ruộng, phải đi làm thuê nơi khác; các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, phát triển cánh đồng mẫu lớn… thì khá khó khăn, dù là mua hay thuê lại. Nhiều ý kiến cũng phản ánh bất cập trong lĩnh vực dạy nghề nông thôn, rằng hằng năm tỉnh, huyện tổ chức nhiều lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ nhưng học xong vẫn có nhiều người không làm được việc, không hiệu quả, tốn kém ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, việc truyền nghề, tự dạy nghề cho nhau đã, đang giúp làm ra nhiều sản phẩm cho xã hội, làm sống động các vùng quê, đem lại thu nhập cao, đóng góp nhiều vào quá trình xây dựng nông thôn mới,… nhưng chưa được công nhận, ghi nhận và chưa được tiếp cận với chính sách dạy nghề của Nhà nước.

Trao đổi với chúng tôi chung quanh việc được phân công dự sinh hoạt chi bộ thôn, xóm, Bí thư Đảng ủy xã Yên Cường Nguyễn Văn Chiển cho biết: Qua dự sinh hoạt chi bộ thôn, xóm, cũng nắm được nhiều thông tin cần nghiên cứu sâu hơn. Nhiều chi bộ mà ở đó phần đông là các đồng chí nghỉ hưu (toàn xã hiện có 19% số đảng viên già yếu miễn sinh hoạt; 17% số đảng viên già yếu còn sinh hoạt nhưng không tham gia ý kiến), cho nên việc kiểm điểm, đánh giá, phân tích, xếp loại đảng viên cần đơn giản hóa cho phù hợp.

Nhiều đồng chí đề nghị Trung ương nên quy định nhiệm kỳ của chi bộ thôn, xóm là 5 năm để phù hợp trong lãnh đạo (nhiệm kỳ trưởng thôn là 5 năm). Tựu trung, các ý kiến thống nhất sâu sát cơ sở, gần gũi với nhân dân, tập trung lãnh đạo giải quyết những vấn đề quần chúng quan tâm từ cơ sở là yếu tố quan trọng để việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt hiệu quả.