Hiệu quả từ phân cấp, ủy quyền tại Hà Nội

Các địa phương chủ động, trách nhiệm hơn trong giải quyết công việc, từ đó, công việc trôi chảy hơn. Đó là những kết quả nhìn thấy rõ sau một năm Hà Nội đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe tại bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức.
Người dân làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe tại bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức.

Dù thực tế vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, nhưng đây sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố tiếp tục thực hiện chủ trương đúng đắn này nhằm khơi thông nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.

Do giấy phép lái xe ô-tô đến hạn phải cấp đổi, giữa tháng 11/2023, anh Lê Văn Hùng ở xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức đến bộ phận “một cửa” của Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức để làm thủ tục và chỉ một tuần sau đã được nhận giấy phép lái xe mới.

Phân cấp mạnh hơn cho cơ sở

“Thay vì phải đi 60 km vào trung tâm thành phố như trước kia, lần này tôi thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe ngay tại huyện, tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí”, anh Hùng phấn khởi chia sẻ.

Như vậy, ngoài bộ phận “một cửa” tại 16 Cao Bá Quát (quận Ba Đình) và 258 Võ Chí Công (quận Tây Hồ), đến nay, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã triển khai tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe tại bộ phận “một cửa” của Ủy ban nhân dân các huyện: Mỹ Đức, Đông Anh, Ứng Hòa, Phú Xuyên và thị xã Sơn Tây.

Để thực hiện việc này, Sở Giao thông vận tải đã xây dựng quy chế, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ bộ phận một cửa tại các huyện, thị xã triển khai.

Trong thời gian đầu, mỗi huyện có hai cán bộ của Sở “cắm chốt” sẵn sàng hướng dẫn thực hiện. Người dân khi đến sẽ được cán bộ bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thông tin, chụp ảnh rồi truyền dữ liệu hồ sơ về Sở.

Sau đó, Sở Giao thông vận tải làm công tác nghiệp vụ và trả lại kết quả tới huyện. Huyện sẽ trả giấy phép lái xe, giúp người dân đỡ mất công đi lại.

Đây là một trong những chuyển biến rõ nét của việc ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính được thành phố Hà Nội thực hiện thời gian qua, theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp và giúp cho công việc chung của thành phố trôi chảy hơn rất nhiều.

Bởi thực tế cho thấy, trong quản lý tại thành phố nhiều năm qua, từng xảy ra những việc rất bất cập như, thay một cái bóng đèn phải trình cấp thành phố phê duyệt.

Hay như nhu cầu xây dựng trường học rất lớn, có nhà đầu tư sẵn sàng chi tiền nhưng một huyện trình hồ sơ làm thủ tục mà ba năm các cơ quan thành phố vẫn “đẩy đi đẩy lại”. Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ sở, mà còn là lực cản cho sự phát triển chung của thành phố.

Nhìn rõ “điểm nghẽn” này, ngày 12/9/2022, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND quy định phân cấp quản lý nhà nước về một số lĩnh vực kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố.

Tiếp đó, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các quyết định về phân cấp, ủy quyền một số lĩnh vực và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Đến nay, Hà Nội đã phân cấp, ủy quyền hai mảng chính là phân cấp quản lý nhà nước và phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Minh Hải, thành phố đã điều chỉnh bổ sung quy định phân cấp cho cấp huyện chín lĩnh vực gồm những lĩnh vực liên quan nhiều đến dân sinh, như phân cấp cho cấp huyện đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng trường trung học phổ thông; đầu tư xây dựng chợ hạng 1; cấp điện chiếu sáng ngõ, ngách trên địa bàn các quận; quản lý tượng đài; quản lý di tích; bến, bãi đỗ xe; đèn tín hiệu giao thông...

Cộng với 73 nhiệm vụ đã được thành phố phân cấp trước đây, đến nay, thành phố đã phân cấp cho cấp huyện ít nhất 210 nhiệm vụ chính, tăng gần 200% so với trước.

Không chỉ vậy, việc phân cấp, ủy quyền đã góp phần giải phóng được nguồn lực của các quận, huyện có nguồn lực tốt.

Từ tháng 9/2022 đến kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố tháng 9/2023, có 14 quận, huyện, thị xã đã đề xuất và được Hội đồng nhân dân thành phố chấp thuận phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt và điều chỉnh chủ trương đầu tư 55 dự án sử dụng ngân sách cấp huyện để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp thành phố với tổng kinh phí hơn 22,6 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 45 dự án, với kinh phí là hơn 18,9 nghìn tỷ đồng. “Việc phân cấp ủy quyền đã tạo điều kiện hơn cho các địa phương, nhất là trong công tác đầu tư trên địa bàn”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh nói.

Sớm tháo gỡ những vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phân cấp, ủy quyền cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc. Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà thông tin, Sở Y tế đã được phân công ủy quyền 90/191 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, hiện nay, trang, thiết bị kỹ thuật và phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, chưa kết nối và vận hành thống nhất trong toàn thành phố dẫn đến hiệu quả sử dụng còn chưa cao; hồ sơ nhận qua dịch vụ bưu chính công ích chưa nhiều.

Lãnh đạo Sở Công thương cũng cho biết, về tính pháp lý, với chín thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Phòng Kinh tế cấp huyện được ủy quyền cho cấp xã như cấp giấy phép bán lẻ rượu, cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh..., hiện 21 quận, huyện tạm thời chưa triển khai.

Nguyên nhân do pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về việc trưởng phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện được ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết thủ tục.

Một số ý kiến đề nghị, để kịp thời giải quyết thủ tục hành chính cho công dân với chín thủ tục này, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế tiếp tục “đảm nhiệm” theo quy định của pháp luật hiện hành.

Những vấn đề này cũng đã được Ủy ban nhân dân thành phố nhìn rõ và đề xuất với các cơ quan Trung ương để có hướng giải quyết, tháo gỡ. Đối với các địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, thành phố thực hiện kỷ luật, kỷ cương ngân sách, nguyên tắc của phân cấp: “Trách nhiệm, quyền hạn của cấp chính quyền nào thì cấp đó phải làm”.

Các quận, huyện, thị xã khi được phân cấp mạnh mẽ cần nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ, quyền hạn của mình để cân đối nguồn lực, lựa chọn nhiệm vụ ưu tiên hợp lý, đúng đắn, tổ chức thực hiện hiệu quả để hoàn thành các mục tiêu; đồng thời xây dựng phương án kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế, tăng cường đào tạo cán bộ cho phù hợp, hiệu quả.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2024, thành phố sẽ đánh giá kỹ lưỡng kết quả thực hiện phân cấp, ủy quyền trong một năm qua; đề xuất của các quận, huyện, thị xã; kết quả rà soát kỹ lưỡng của sở chuyên ngành, Ủy ban nhân dân sẽ tiếp tục xem xét, báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố về việc có bổ sung hoặc điều chỉnh quy định phân cấp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đầu tư, khơi thông các nguồn lực cho thành phố phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.