Giải pháp tạo nguồn vốn xây dựng hạ tầng
Thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị thông qua các dự án BT là giải pháp được nhiều địa phương ưu tiên. Những năm gần đây, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đang trở thành tâm điểm thu hút đầu tư của tỉnh khi đồng thời triển khai xây dựng các khu công nghiệp: Yên Phong 1 và 2, VSIP. Nhằm tạo lập nơi “an cư” cho các nhà đầu tư, người lao động đến lập nghiệp trên địa bàn, huyện Yên Phong chú trọng phát triển đô thị đồng bộ về nhà ở, hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xã hội nhằm khai thác tối đa tiềm năng quỹ đất, lợi thế giao thông, liên kết vùng…
Dự án Khu đô thị và dịch vụ phía tây thị trấn Chờ, phân khu A (thuộc xã Yên Phụ và thị trấn Chờ) quy mô 246,3 ha được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư cho Công ty cổ phần đầu tư Nhà và thương mại Hưng Ngân (Công ty Hưng Ngân) làm chủ đầu tư. Trong đó một phần đất của dự án được dùng để thanh toán đối ứng cho nhà đầu tư khi đơn vị này thực hiện Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp đường ĐT 286 đoạn từ thị trấn Chờ đến cầu Đò Lo (huyện Yên Phong). Điều đáng nói là trong khi Dự án ĐT 286 đã hoàn thành, bàn giao và đi vào hoạt động từ tháng 9-2018 thì dự án đối ứng vẫn đang ì ạch giải phóng mặt bằng (GPMB). Quá trình triển khai công tác lập hồ sơ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án này (giai đoạn 1 - 28 ha) UBND huyện Yên Phong xác định đối tượng thuộc Nhà nước thu hồi đất mục đích phát triển kinh tế - xã hội cho nên đã căn cứ quy định tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 để thực hiện.
Theo đó, UBND huyện Yên Phong đã phê duyệt phương án thu hồi đất GPMB đợt một là 279.770,3 m2, trong đó diện tích bồi thường, hỗ trợ 255.588 m2, kinh phí gần 104 tỷ đồng; đợt hai, tổng diện tích thu hồi 210.579 m2, trong đó diện tích bồi thường, hỗ trợ 192.119,2 m2; kinh phí gần 81 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay việc bàn giao mặt bằng đợt 1 vẫn chưa hoàn thành do còn 81 trong tổng số 418 hộ gia đình, cá nhân chưa đồng thuận (chiếm khoảng 19% diện tích). Kiến nghị của các hộ dân xã Yên Phụ về mức giá đền bù, hỗ trợ GPMB; được mua đất dự án với giá ưu đãi; mức quy đổi hai sào ruộng quy đổi được 80 m2 đất ở… đã được UBND huyện Yên Phong trả lời tại nhiều văn bản, nhiều lần đối thoại. Thanh tra tỉnh Bắc Ninh cũng đã kiểm tra và kết luận trả lời công dân tại Văn bản số 66/BC-TTr ngày 11-7-2019.
Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh cũng đã chủ trì phối hợp cùng cơ quan, đơn vị liên quan rà soát trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, GPMB dự án Khu đô thị đợt một theo yêu cầu của UBND tỉnh. Báo cáo số 68/BC-STP ngày 17-5-2019 của Sở Tư pháp cho thấy quá trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ GPMB được thực hiện đúng pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Văn bản trả lời công dân số 2666/UBND-NC ngày 29-7-2019.
Tháo gỡ vướng mắc, tạo đồng thuận
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn hai của dự án đang được tạm dừng để rà soát theo nguyên tắc ngang giá căn cứ tại Quy định tại Nghị định 69/2019/NĐ-CP ngày 15-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ là phù hợp với thực tế. Nhất là sau khi đường tỉnh ĐT 286 hoàn thành, giá trị khu đất thu hồi GPMB xây dựng khu đô thị tăng lên nhiều lần cho nên cần thiết phải điều chỉnh diện tích đối ứng cho nhà đầu tư. Một số vướng mắc khác như thu hồi đất chưa rõ ràng về địa giới hành chính như tại Quyết định số 9356/QĐ-UBND ngày 25-12-2018 của Chủ tịch UBND huyện Yên Phong, thu hồi 5,7 ha tại khu đồng Dỏng, 3,7 ha tại khu đồng Sòi. Để làm rõ vấn đề này, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Phong Nguyễn Văn Hòa cho biết: Việc thu hồi 9,4 ha khu đất đấu giá tạo vốn xây dựng nông thôn mới tại khu đồng Sòi đã được thông qua tại Nghị quyết số 33/2016/NQ-HĐND18 ngày 8-12-2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh. 9,4 ha này đã gồm cả 5,7 ha thuộc xứ đồng Dỏng và 3,7 ha khu đồng Sòi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để bảo đảm nguyên tắc ngang giá quy định tại Nghị định 69/2019/NĐ-CP ngày 15-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Ninh đã quyết định cắt giảm 811,5 ha đối với toàn bộ diện tích đất đối ứng giao cho các dự án BT trên địa bàn. Tổng giá trị cắt giảm khoảng 8.911 tỷ đồng. Riêng Dự án Khu đô thị và dịch vụ phía tây thị trấn Chờ, phân khu A, UBND tỉnh đã cắt giảm diện tích đối ứng thanh toán cho Dự án ĐT 286 cho nhà đầu theo nguyên tắc ngang giá là khoảng 17,28 ha, tương đương giá trị khoảng 196,3 tỷ đồng. Như vậy, thay vì xác định quy mô dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư được xác định trên nguyên tắc giá thị trường năm 2015 thì giá đất đối ứng sẽ được tính theo mức giá thời điểm hiện tại là đúng với quy định hiện hành. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tiến Nhường, việc tạm dừng phê duyệt GPMB đợt hai của dự án để xác định lại quy mô thanh toán cho nhà đầu tư là cần thiết, để bảo đảm tính minh bạch trong việc thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT theo quy định.
Đánh giá về hiệu quả của các dự án BT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tiến Nhường khẳng định: “Không thể phủ nhận những đóng góp của các dự án như vậy đối với sự phát triển hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện cơ chế đổi đất lấy hạ tầng đã góp phần đáng kể để xóa điểm nghẽn trong phát triển kết cấu hạ tầng xã hội của địa phương trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp. Chính vì vậy, tháo gỡ những khó khăn đối với các dự án BT không chỉ là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chính quyền và người dân mà còn là động lực phát triển của địa phương”.