Hiệu quả từ mô hình trường trung học cơ sở liên xã

Từ năm 2002 đến nay, huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) duy trì ổn định mô hình trường trung học cơ sở liên xã. Đây là mô hình phù hợp điều kiện thực tế ở địa phương, tháo gỡ những khó khăn căn bản trong dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động trải nghiệm là thi đấu bóng chuyền nam, nữ giữa các lớp khối 7, khối 8 (Ảnh: Trường trung học cơ sở Phương-Cường-Xá)
Hoạt động trải nghiệm là thi đấu bóng chuyền nam, nữ giữa các lớp khối 7, khối 8 (Ảnh: Trường trung học cơ sở Phương-Cường-Xá)

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có dịp ghé thăm Trường trung học cơ sở Phương-Cường-Xá nằm trên địa bàn xã Đông Phương (huyện Đông Hưng). Thoạt nghe tên trường thấy lạ, nhưng khi được cô Đỗ Thị Thúy, hiệu trưởng nhà trường giải thích, chúng tôi mới hiểu đây là tên ghép của ba trường trung học cơ sở thuộc ba xã là Đông Phương, Đông Cường và Đông Xá. Ngôi trường liên xã này được Ủy ban nhân dân huyện Đông Hưng ra quyết định thành lập từ năm 2009. Đây là trường liên xã có quy mô lớn nhất huyện với số lớp duy trì hằng năm từ 26-30 lớp (hơn 1.000 học sinh và gần 60 cán bộ, giáo viên).

Cô Thúy chia sẻ: Đông Hưng thời gian trước đây có tới 44 xã, thị trấn, quy mô nhỏ lẻ. Nhiều trường trung học cơ sở chỉ có vài trăm học sinh, nhưng vẫn phải duy trì bộ máy cán bộ, giáo viên lên tới vài chục người, cơ sở vật chất lại xuống cấp do kinh phí đầu tư hạn hẹp. Thời gian đầu sáp nhập, cũng có những luồng ý kiến trái chiều của các bậc phụ huynh khi con em phải đi học xa, rồi trường tập trung đông, khó quản lý và băn khoăn nhất là liệu chất lượng dạy và học có được nâng cao hơn không?

Tuy nhiên, khi chính quyền địa phương cùng ngành giáo dục vào cuộc, rồi tuyên truyền, vận động thì bản thân học sinh cũng như cha mẹ học sinh dần yên tâm, tin tưởng, rõ nhất là cơ sở vật chất được tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại.

Xã Đông Phương bố trí hơn 23ha đất nằm ở vị trí trung tâm, rất thuận tiện cho học sinh đi lại. Đường đến trường thoáng đãng, thuận lợi bởi chủ trương xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua tại các địa phương.

Việc thành lập trường liên xã còn góp phần tinh giản đáng kể số lượng cán bộ, giáo viên (từ 90 người xuống còn gần 60 người), nhưng vẫn bảo đảm thuận lợi cho nhà trường phân công chuyên môn. Từ năm 2013 đến nay, nhà trường liên tục được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bằng khen, cờ thi đua đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào giáo dục của tỉnh Thái Bình trao tặng…

Tìm hiểu về mô hình Trường trung học cơ sở liên xã ở Đông Hưng, chúng tôi còn có dịp đến thăm Trường trung học cơ sở Phong-Huy-Lĩnh (sáp nhập từ ba xã liền kề là Đông Phong, Đông Huy và Đông Lĩnh). Thầy Lê Anh Tân, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, có thể khẳng định mô hình trường liên xã đã đạt được nhiều mục tiêu đề ra, rất phù hợp đặc thù của huyện Đông Hưng.

Khi chưa sáp nhập, cả ba trường đều có tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên cơ cấu bộ môn. Sau khi trở thành trường liên xã, Trường trung học cơ sở Phong-Huy-Lĩnh đã đủ cơ cấu bộ môn cho nên không còn tình trạng nêu trên. Thầy Tân cho biết, trường hiện có hơn 800 học sinh, mỗi khối đều có từ năm đến sáu lớp học, vì vậy đã tổ chức được rất nhiều các hoạt động tập thể, hội thi như “Rung chuông vàng”, “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Bảy sắc cầu vồng”, rồi các nhóm “Đôi bạn cùng tiến”, “Giúp bạn đến trường”. Các phong trào thi đua học tốt giữa các lớp trong khối là động lực, là điều kiện tốt nâng cao chất lượng giáo dục. Trường luôn được xếp trong tốp đầu các trường trung học cơ sở của huyện Đông Hưng.

Ông Nguyễn Văn Trìu, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Hưng cho biết: Hiện nay, toàn huyện có sáu trường trung học cơ sở liên xã gồm Hoa-Hồng-Bạch, Phong-Huy-Lĩnh, Phương-Cường-Xá, Quang-Dương, Dương-Tiến và Hợp-Hưng, trên cơ sở sáp nhập các trường của 16 xã và thị trấn. Thành công trong xây dựng mô hình trường trung học cơ sở liên xã ở huyện Đông Hưng chính là nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương sáp nhập trường.

Hơn nữa, huyện Đông Hưng không tổ chức sáp nhập ồ ạt ở tất cả các xã trên địa bàn mà chỉ thực hiện trên cơ sở điều kiện cụ thể của mỗi địa phương như có giao thông thuận lợi, học sinh di chuyển đến trường trong bán kính không quá xa, bố trí được quỹ đất xây dựng một điểm trường và trên hết vẫn là sự chung tay, hưởng ứng của đông đảo người dân.

Mô hình trường trung học cơ sở liên xã ở Đông Hưng đã và đang khẳng định được chỗ đứng của mình trong hệ thống giáo dục, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dạy và học, được nhân dân tin yêu, ủng hộ.