Tại Quận 12, khi dự thảo kế hoạch tuyển sinh năm học 2022-2023 được ban hành vào đầu tháng 5/2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ quận đã tổ chức hội nghị phản biện. Sau khi các đại biểu nghiên cứu và tham gia phản biện xã hội, đã có 14 ý kiến tập trung một số nội dung trong dự thảo kế hoạch quan trọng như: Công tác tuyển sinh đầu năm học 2022-2023; quy trình tuyển sinh đối với các lớp đầu cấp; việc phân bổ chỉ tiêu, phân tuyến,…
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Quận 12 Lê Tấn Tài, nhiều nội dung quan trọng được đại biểu trình bày, phản biện xã hội để nhằm mục đích, yêu cầu bảo đảm về chất lượng giáo dục cho các em học sinh trên địa bàn, nhất là đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hậu Covid-19. Tại quận Tân Bình, bà Lê Thị Thu Trà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận cho biết: Trong đợt tiếp xúc cử tri với tổ đại biểu Quốc hội khóa XV vào đầu tháng 5 vừa qua, nhiều cử tri trên địa bàn quận có ý kiến phản ánh về sự chậm trễ của nhiều dự án, công trình (dự án Chung cư 350 Hoàng Văn Thụ; dự án kênh A41; dự án Bảy Hiền Tower),…
Ngay tại buổi tiếp xúc, lãnh đạo quận đã có những giải trình, giải thích cụ thể, chi tiết các phản ánh, kiến nghị của các cử tri. Bà Thái Thị Lan Chi, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết: Các kiến nghị luôn được UBND quận quan tâm đeo bám, kiến nghị với các sở, ngành của thành phố về các vấn đề liên quan tới thủ tục, pháp lý và chỉ đạo các phòng, ban liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đây cũng là trách nhiệm của lãnh đạo quận đối với các vấn đề được người dân quan tâm, trăn trở.
Từ năm 2013-2021, Ủy ban MTTQ các cấp thành phố đã tổ chức được 456 hội nghị phản biện xã hội; đồng thời, tổ chức phản biện xã hội thông qua hình thức gửi 590 văn bản đối với các dự án, đề án, kế hoạch có tác động, ảnh hưởng đến đời sống xã hội và cộng đồng dân cư như: cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội; Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham gia tích cực và đóng góp nhiều ý kiến, phản biện sâu sắc, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học.
Nhiều ý kiến phản biện xã hội đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp chính quyền thành phố khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành. Đối với công tác giám sát, từ năm 2018 đến nay, hệ thống MTTQ thành phố đã triển khai hơn 3.000 cuộc giám sát chuyên đề và đột xuất. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực người dân quan tâm như: giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật của cơ sở y tế tư nhân và các cơ sở giữ trẻ ngoài công lập, bảo đảm an toàn thực phẩm; giám sát cán bộ, đảng viên, công chức; quản lý và sử dụng đất đai; cải cách hành chính gắn với việc thực hiện khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân…
Qua công tác giám sát, phản biện, các đơn vị đã phát hiện những vấn đề còn hạn chế, sai phạm để đề xuất, kiến nghị chính quyền các cấp điều chỉnh và có giải pháp khắc phục, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, hạn chế vi phạm pháp luật. Nhiều ý kiến, kiến nghị sau giám sát được tiếp thu và phản hồi tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, MTTQ thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận thấy nhiều hạn chế trong công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.
Đơn cử như công tác giám sát, phản biện xã hội của hệ thống MTTQ các cấp nhìn chung vẫn chưa thật sự bài bản, nền nếp, chưa thể hiện đầy đủ quyền lực của nhân dân; MTTQ nhiều nơi chưa phát huy hiệu quả sức mạnh của các tổ chức thành viên; thậm chí vẫn còn lúng túng trong việc xác định đối tượng, nội dung và phương thức thực hiện, nhất là trong những năm đầu triển khai, chưa có những phương thức, quy trình thật sự hiệu quả; nhiều nội dung giám sát còn chung chung, thiếu cụ thể, thiếu tính chuyên sâu; vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, chưa mạnh dạn góp ý những hạn chế, yếu kém của cấp ủy, chính quyền các cấp; một số nơi tổ chức nhiều đoàn giám sát trong năm còn trùng lắp nội dung với các hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền khác dẫn đến tình trạng quá tải cho đối tượng được giám sát.
Nhiều đề xuất, kiến nghị của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội trong quá trình giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý ở nhiều nơi chưa được cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm xem xét, giải quyết và phản hồi một cách thỏa đáng...