Hiệu quả từ chương trình bình ổn thị trường

Chương trình bình ổn giá trên địa bàn thành phố được triển khai lần đầu vào năm 2002 nhằm ổn định giá cả các mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán. Sau 20 năm thực hiện đã có sự chuyển biến căn bản từ mục tiêu “bình ổn giá” sang mục đích “bình ổn thị trường”. Từ kết quả đạt được này, UBND thành phố tiếp tục triển khai chương trình giai đoạn 2022-2032.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua sắm hàng hóa (thực phẩm, trái cây) bình ổn thị trường tại một siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Người dân mua sắm hàng hóa (thực phẩm, trái cây) bình ổn thị trường tại một siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình đã phát huy mọi nguồn lực xã hội tham gia thực hiện. Giai đoạn đầu, chỉ có thành phần kinh tế nhà nước tham gia; đến nay, tất cả các thành phần kinh tế đã tham gia thực hiện bình ổn thị trường. Hơn nữa, từ hình thức nhà nước ứng vốn ngân sách cho doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, chương trình đã được xã hội hóa, kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp. Từ giải pháp dự trữ hàng hóa là chủ đạo, đến nay chương trình thực hiện bình ổn thị trường trong dài hạn, tập trung thúc đẩy sản xuất trong nước theo hướng hiện đại, năng suất cao; bảo đảm nguồn cung dồi dào, bền vững; phát triển nhanh hệ thống phân phối, nâng cao hiệu quả logistics, giảm chi phí trung gian, giảm chênh lệch từ giá thành sản xuất đến và giá bán tiêu dùng.

Quy mô của chương trình ngày càng mở rộng, danh mục hàng hóa bình ổn thị trường tăng từ một nhóm mặt hàng (lương thực, thực phẩm) lên bốn nhóm (lương thực, thực phẩm, sữa, dược phẩm thiết yếu và các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng); năm 2021 và 2022 được bổ sung thêm các nhóm mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, thời gian thực hiện ban đầu chỉ trong dịp Tết Nguyên đán, từ năm 2010 đến nay chương trình được triển khai thực hiện suốt cả năm. Từ nguyên tắc cố định giá, đến nay chương trình thực hiện điều chỉnh giá bán linh hoạt, kịp thời; bảo đảm hợp lý, luôn thấp hơn thị trường từ 5% đến 10%, có khả năng dẫn dắt thị trường, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Suốt 20 năm, chương trình kiên trì các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp; ưu tiên phát triển điểm bán và tổ chức bán hàng lưu động tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu dân cư tập trung đông người lao động thu nhập thấp, khu lưu trú công nhân, khu công nghiệp, khu chế xuất... Chương trình đã góp phần lớn vào việc phát triển vùng nguyên liệu, hình thành các chuỗi cung ứng, lưu thông và phân phối hàng hóa hiệu quả từ sản xuất, nuôi trồng đến phân phối.

Ðến nay, chương trình đã hoàn toàn xã hội hóa, quy mô ngày càng lớn. Từ nguồn vốn ngân sách 45 tỷ đồng, doanh thu chương trình đạt 344 tỷ đồng năm 2002; từ năm 2013, thành phố đã không còn ứng vốn ngân sách, doanh thu đã đạt 13.242 tỷ đồng; đến năm 2022 doanh thu của chương trình dự kiến đạt 22.355 tỷ đồng. Nhờ vậy, tổng sản lượng hàng hóa bình ổn thị trường ngày càng lớn, chiếm thị phần cao, đủ sức điều tiết thị trường và sẵn sàng can thiệp, bổ sung nguồn cung khi có hiện tượng khan hàng, sốt giá.

Theo Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố (Saigon Co.op) Nguyễn Anh Ðức, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, quy mô ngày càng lớn, số lượng doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia ngày càng nhiều, chương trình cần nhanh chóng xây dựng khung pháp lý phù hợp với các cam kết của thị trường quốc tế và nội địa; tăng cường kiểm soát nguồn hàng trôi nổi trên thị trường; giám sát nghiêm vấn đề vệ sinh-an toàn thực phẩm, chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

Ðể chương trình triển khai đạt kết quả tốt trong thời gian tới (giai đoạn 2022-2032), đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Ðảng, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Sở Công thương, các sở, ban, ngành triển khai hiệu quả quy chế của chương trình, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện trên nguyên tắc xác định rõ các cơ chế phối hợp, triển khai, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị; tiếp tục phối hợp các địa phương khác trong quá trình liên kết phát triển, hình thành vùng chuyên canh đạt chuẩn gắn với sản xuất, lưu thông hàng hóa; tham mưu giải pháp hình thành cộng đồng liên kết bền vững trong xây dựng các tiêu chuẩn cho sản phẩm bình ổn thị trường mang giá trị thương hiệu đặc trưng của chương trình, đó chính là “Giá cả hợp lý-Chất lượng nâng cao”.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đề nghị UBND thành phố tăng cường phát huy các sáng kiến kết nối cung-cầu hàng hóa; hình thành các chuỗi liên kết giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ; phát triển đa dạng phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh thương mại trong nước; tổ chức và vận hành hiệu quả các hệ thống cung ứng, phân phối các nhóm hàng hóa chủ yếu trên thị trường; tiếp tục phát triển các doanh nghiệp “đầu đàn” trong nước có khả năng dẫn dắt thị trường, tạo sức lan tỏa đối với các doanh nghiệp vệ tinh và hạn chế sự phụ thuộc, chi phối của các doanh nghiệp nước ngoài; cơ cấu lại lĩnh vực thương mại trong nước theo hướng đổi mới, sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh; tăng cường kết nối, tham gia chuỗi cung ứng, các hệ sinh thái quốc tế; thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động thương mại trong nước theo hướng giảm bớt thủ tục và thời gian thực hiện, đẩy nhanh việc cung ứng và nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến.