Hiệu quả mô hình “cà-phê doanh nghiệp” ở Đồng Tháp

Ra đời cách đây 5 năm, mô hình “cà-phê doanh nghiệp” ở tỉnh Đồng Tháp được cộng đồng doanh nghiệp (DN) đánh giá cao. Từ đầu năm 2020, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành liên quan thường xuyên xuống cơ sở hơn để gặp gỡ doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp tại các điểm “cà-phê doanh nhân, DN” để nắm bắt sâu sát hơn tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có nơi, mô hình này được tổ chức tại các khu công nghiệp (KCN), có nơi được tổ chức ngay tại khuôn viên UBND huyện.

Buổi cà-phê cùng doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tại Khu công nghiệp Sa Đéc.
Buổi cà-phê cùng doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tại Khu công nghiệp Sa Đéc.

Buổi cà-phê cùng doanh nghiệp
 
 Một sáng đầu Xuân Tân Sửu, quán cà-phê khuôn viên KCN Sa Đéc lại một lần nữa được đón tiếp những vị khách đặc biệt. Một dãy bàn xếp đặt cạnh nhau, khách vào quán là lãnh đạo các sở, ngành, cơ sở, giám đốc doanh nghiệp và có cả Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. KCN Sa Đéc là một trong ba KCN lớn nhất tỉnh Đồng Tháp, với tổng diện tích 132 ha, gồm hơn 30 DN đăng ký hoạt động gắn với gần 50 dự án đầu tư.
 
 Mở đầu buổi cà-phê, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa gửi lời chúc mừng năm mới đến tất cả DN và bày tỏ niềm vui những ngày đầu năm có dịp đến uống cà-phê tại đây. Cũng như bốn lần gặp trước tại KCN này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa gợi mở từng doanh nhân có vấn đề gì khó khăn, vướng mắc thì vừa uống cà-phê, vừa chia sẻ, nhất là những vấn đề cần đề xuất, tháo gỡ. Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Marine Functional Việt Nam Nguyễn Anh Ngọc cho biết: Trước đây, khi dự án của DN được thông qua, đến thủ tục thuê đất và xây dựng thì gặp vướng. Tuy nhiên, trong buổi cà-phê với lãnh đạo tỉnh, DN đã được phép tiến hành xây dựng cùng lúc với việc hoàn thành thủ tục thuê đất, giúp DN rút ngắn thời gian từ 15 đến 20 ngày, tiết kiệm chi phí đáng kể. Năm vừa qua, tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng công ty vẫn cố gắng sáng tạo, biến nguy cơ thành cơ hội để vượt lên. Sau hai năm hoạt động sản xuất, kinh doanh tại tỉnh, DN cảm nhận được địa phương hết sức trọng thị, hỗ trợ giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh. Tuy nhiên, ưu đãi đầu tư ở Đồng Tháp so với một số tỉnh lân cận vẫn chưa bằng, nên tỉnh cần có cơ chế tốt hơn nữa để mời gọi nhiều DN hơn, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư của DN trong nước và ngoài nước, mong tỉnh ưu đãi hơn DN nội địa, DN về công nghệ - đổi mới sáng tạo.
 
 Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trương Hòa Châu cho hay: Sắp tới, Sở sẽ lập kế hoạch mở lớp chuyển đổi số, kỹ năng số cho tất cả DN, đề nghị các DN quan tâm việc đào tạo cán bộ quản lý, khi có kế hoạch đào tạo, cần đưa nhân viên tham gia để trau dồi kiến thức, phục vụ tốt hơn hoạt động của DN. Qua những buổi cà-phê DN, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành hết sức mong muốn DN chia sẻ kịp thời khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất cụ thể để lãnh đạo Sở nắm bắt rõ, mời đơn vị đào tạo triển khai nhằm phục vụ tốt nhất cho DN.
 
 Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long Võ Minh Trân chia sẻ: Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 nên DN không bị ảnh hưởng nặng nề. DN có hơn 2.000 lao động. Nếu gặp sự cố gì liên quan dịch Covid-19 sẽ phải dừng sản xuất, ảnh hưởng rất lớn đến người lao động và an sinh xã hội. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Hòa Châu nhận định: Những tháng cuối năm vừa qua, các DN nhìn chung đều gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh và chi phí logistics tăng, do không chủ động được công-ten-nơ khiến hàng hóa và chi phí đều tăng. Các DN ngay sau Tết cần chủ động hợp tác với đối tác hơn nữa trong việc xuất khẩu hàng hóa. Địa phương và các sở, ngành luôn tích cực hỗ trợ để làm sao DN đạt nhiều thành công trong sản xuất, kinh doanh. Về cơ chế chính sách, Đồng Tháp phải thực hiện nghiêm theo đúng quy định của Chính phủ, không thể “vượt rào”. Vấn đề gì được Chính phủ cho phép địa phương thực hiện “cơ chế mở”, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách sao cho phù hợp quy định pháp luật để hỗ trợ DN một cách nhanh nhất.
 
 Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định: “Đồng Tháp sẽ vận dụng, áp dụng đầy đủ, với mức tốt nhất những cơ chế, chính sách mà Chính phủ cho phép. Nếu các địa phương khác có chính sách thoáng hơn, lãnh đạo tỉnh rất mong được các DN cùng trao đổi, bàn bạc, gợi mở giúp Đồng Tháp, vì cách vận dụng ở mỗi địa phương, vùng miền có sự khác nhau”.
 
 Kết nối để biến nguy khó thành cơ hội
 
 Tại các buổi cà-phê DN, lãnh đạo tỉnh trực tiếp lắng nghe DN trình bày những bức xúc, những khó khăn, cản trở sự phát triển. Hầu hết những kiến nghị của DN đều liên quan thuê đất, vệ sinh môi trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ nguồn lao động có tay nghề tại chỗ; về chính sách hỗ trợ vay vốn, miễn giảm thuế,... Lúc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhờ mô hình này, lãnh đạo tỉnh cũng tiếp cận những khó khăn của DN, nghe DN nói, bàn phương thức vượt qua và thích ứng. Lúc này, vai trò kết nối và động viên chính là động lực giúp DN biến nguy khó thành cơ hội. Sau một năm thực hiện mô hình cà-phê doanh nhân, DN tại các khu, cụm công nghiệp, một trong những kết quả quan trọng đạt được, đó là, các doanh nhân đã thay đổi tư duy vượt khó trong sản xuất, kinh doanh, liên kết, hợp tác hỗ trợ nhau, chú trọng phát triển thị trường trong nước gắn với nâng chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Mô hình cà-phê doanh nhân, DN ở Đồng Tháp đã giúp tư nhân và Nhà nước gần nhau hơn, có thể trao đổi tự do, thoải mái hơn, chứ không chỉ gò bó nơi công sở, DN cảm thấy được quan tâm nhiều hơn.
 
 Phó Tổng Giám đốc Hidico, Giám đốc Xí nghiệp hạ tầng KCN Sa Đéc Huỳnh Công Thảo nhận định: Mô hình cà-phê DN tỉnh Đồng Tháp mở rộng ra các địa bàn đã thấy phát huy hiệu quả, tập hợp được nhiều DN hơn. Trong buổi cà-phê, những gì có thể trả lời, giải quyết ngay, lãnh đạo tỉnh giải đáp tại chỗ. Chính sự quyết tâm, đồng lòng của DN mà UBND tỉnh đã mạnh dạn mở nhiều kênh kết nối, như ký các hệ thống Trung tâm thương mại, siêu thị lớn, mở rộng kênh thương mại điện tử, tổ chức các hội chợ, tuần hàng đặc sản Đồng Tháp,... Dù còn nhiều khó khăn, nhưng cộng đồng DN vẫn lạc quan, tin tưởng khả năng phục hồi kinh tế trong thời gian tới. “Qua những kết quả đạt được, tôi nghĩ mô hình cà-phê doanh nhân, DN sẽ hiệu quả hơn là chỉ đạo trên diễn đàn hay hội họp. Phải thực tâm với DN thì DN mới chia sẻ lại bằng cái tâm của mình. Cách làm đó cũng tạo nên động lực, gắn kết, tạo niềm tin, truyền cảm hứng cho DN tự tin, vượt khó”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa khẳng định.
 
 Trong hơn một tháng đầu năm nay, cộng đồng DN tại Đồng Tháp tiếp tục đối mặt những khó khăn chưa từng có do tác động của dịch Covid-19. Không để DN đơn độc, lãnh đạo tỉnh cùng cấp ủy, chính quyền các cấp luôn đồng hành với nhiều hoạt động tiếp sức để cộng đồng DN vươn lên. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh: Tỉnh đang cùng DN, nhà đầu tư chắt chiu từng cơ hội, vì đó cũng là cơ hội của chính quyền, nhân dân Đồng Tháp. Qua những buổi gặp gỡ, lãnh đạo tỉnh thật sự lắng nghe ý kiến các nhà đầu tư, DN chứ không phải gặp gỡ hình thức, bởi Đồng Tháp luôn xác định thành công của DN chính là thành công của địa phương. Mô hình cà-phê doanh nhân, DN là nơi tạo sự thân tình, gần gũi, giúp DN ít thời gian hoặc ngại đến chốn công sở có nơi để bày tỏ ý kiến và cũng kết nối giữa các DN với nhau; giúp lãnh đạo tỉnh, các ngành tăng tính chủ động, “rời ghế” và tách khỏi “bốn bức tường”, về cơ sở để nắm bắt, giải quyết sự vụ nhanh và hiệu quả hơn.
 
 Từ mô hình này, đã có hàng trăm DN đến gặp lãnh đạo tỉnh góp ý, hiến kế giúp địa phương phát triển. Nhiều vụ việc DN nêu được giải quyết nhanh chóng. Cộng đồng DN đã kiến tạo cho tỉnh nhiều cách làm hay trong việc tiếp nhận thông tin để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động, cũng như cung cấp những định hướng kinh doanh trong tương lai của DN; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, hỗ trợ tiếp cận thị trường và nguồn lực,... bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.