Vừa thu hoạch xong lứa su hào trồng trái vụ, bà Nguyễn Thị Lan ở xã Nam Hồng, huyện Ðông Anh cho biết, gia đình bà có bốn sào ruộng chuyên canh trồng rau màu. Những năm trước, sau khi thu hoạch các loại rau màu vụ đông như su hào, bắp cải, cà chua..., bà thường trồng ngô hoặc cà pháo, cà bát, đậu tương..., mùa nào thức đó. Các loại cây trồng theo mùa vụ có ưu điểm là dễ trồng, dễ chăm sóc, năng suất cao, nhưng giá thành lại thấp, lãi rất ít, thậm chí thua lỗ. Từ năm 2013, được sự hỗ trợ của các cán bộ kỹ thuật Trạm Bảo vệ thực vật Ðông Anh, gia đình bà trồng hai sào su hào trái vụ. Với khoảng sáu tháng vụ xuân, hè, gia đình bà có thể trồng được ba lứa su hào. Trung bình mỗi sào trồng được khoảng ba nghìn củ. Mặc dù su hào trái vụ nhỏ hơn chính vụ, nhưng giá bán khá cao, từ 2.500 đồng đến 3.000 đồng/củ. Vì thế, từ năm nay gia đình quyết định trồng su hào trái vụ trên toàn bộ bốn sào ruộng. Ngay trong lứa thu hoạch đầu tiên, gia đình bà đã thu được hơn 20 triệu đồng.
Tương tự nhà bà Lan, nhiều hộ dân ở các xã Vân Nội, Tiên Dương, Bắc Hồng (huyện Ðông Anh) giờ đây cũng đã bắt đầu làm quen với các loại rau trái vụ. Vì thế, trong khi nhiều người trồng rau "méo mặt" vì các loại rau chính vụ được mùa mất giá, thì người dân nơi đây vẫn ung dung bước vào sản xuất vụ mới. Chị Lan ở xã Tiên Dương cho biết, sau Tết Nguyên đán vừa qua, giá rau hạ thấp khiến người nông dân thua lỗ, thì gia đình chị vẫn trồng hai sào su hào. Mặc dù thời tiết năm nay diễn biến bất thường, mưa ẩm kéo dài liên tục, nhưng nhờ thực hiện đúng kỹ thuật, su hào vẫn sinh trưởng tốt. Trừ chi phí đầu tư màng ni-lông, khung tre để che chắn rau, gia đình chị thu được hơn mười triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng su hào chính vụ.
Chia sẻ thành công từ mô hình trồng rau trái vụ ở huyện Ðông Anh, Trạm trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Ðông Anh Ðinh Văn Thảo cho biết, bí quyết để sản xuất rau trái vụ là sử dụng vòm che ni-lông để giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhất là giai đoạn cây còn non. Do cây trồng không bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa, sương muối, lá cây luôn khô ráo, cho nên hạn chế bệnh do nấm, vi khuẩn gây hại. Trồng các loại rau quả trái vụ tuy vất vả vì phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật và năng suất sản phẩm không cao như các loại cây chính vụ, nhưng hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều nông dân ở các huyện Từ Liêm, Hoài Ðức, Mê Linh, Gia Lâm, Thanh Trì... cũng đã áp dụng thành công việc trồng các loại rau, quả đặc sản trái vụ, khắc phục hạn chế mang tính mùa vụ, cung cấp sản phẩm đa dạng hơn cho thị trường. Việc trồng rau trái vụ đã tạo ra môi trường sinh thái không thuận lợi cho các loại sâu bệnh như sâu xanh, bọ nhảy, sâu tơ, vốn chỉ có thể phát triển ở nhiệt độ thấp, phát sinh gây hại, cho nên hầu như không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong suốt quá trình sinh trưởng cây trồng... Ðây là yếu tố quan trọng tạo ra các sản phẩm rau an toàn cho người sử dụng. Qua thực tế sản xuất cho thấy, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật sản xuất và kinh nghiệm gieo trồng các loại rau màu, rất nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu từ mô hình rau trái vụ. Theo tính toán của người dân, trồng rau trái vụ cho thu nhập từ 800 triệu đến một tỷ đồng/ha/năm.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết, Hà Nội có thế mạnh về sản xuất các loại rau, với hơn 12 nghìn ha đất canh tác chuyên canh, trong đó có hơn 4.500 ha đất đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, hơn bốn mươi chủng loại rau các loại. Năng suất rau màu đạt trung bình từ 19 đến 20 tấn/vụ, sản lượng hơn 570 nghìn tấn/năm, nhưng các loại rau tập trung chủ yếu ở vụ đông và chỉ đáp ứng khoảng 60% so với nhu cầu của người tiêu dùng. Khoảng 40% lượng rau còn lại vẫn phải chuyển từ các địa phương khác về. Vì thế, việc phát triển các loại rau trái vụ sẽ tăng hệ số quay vòng sản xuất nhờ chủ động thời vụ, không phụ thuộc vào thời tiết. Giảm chi phí phân bón do không bị rửa trôi, giảm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật và giảm công sức làm đất. Rau trái vụ không chỉ nâng cao thu nhập mà góp phần tăng nguồn cung cấp rau an toàn cho người dân Thủ đô. Trong thời gian tới, Chi cục sẽ mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn trái vụ cho các vùng chuyên canh sản xuất rau trên địa bàn thành phố, trước mắt là các vùng đất bãi màu mỡ.