Nhiều dự án đầu tư đã có lãi chuyển về nước khoảng hơn 2 tỷ USD, như dự án thăm dò dầu khí tại Liên bang Nga của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mang lại lợi nhuận hơn 855 triệu USD, cao gấp hơn 2 lần tổng vốn đầu tư.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã có hơn 1.660 dự án đầu tư ra nước ngoài tại 79 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: viễn thông, khai khoáng, nông lâm nghiệp và thủy sản,… với tổng số vốn đạt 22,1 tỷ USD. Lào, Campuchia và Myanmar là những quốc gia đứng đầu với tổng vốn đầu tư chiếm gần 40% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã có hơn 1.660 dự án đầu tư ra nước ngoài tại 79 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: viễn thông, khai khoáng, nông lâm nghiệp và thủy sản,… với tổng số vốn đạt 22,1 tỷ USD. Lào, Campuchia và Myanmar là những quốc gia đứng đầu với tổng vốn đầu tư chiếm gần 40% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đánh giá của Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc các doanh nghiệp Việt tăng cường đầu tư ra nước ngoài đã giúp khẳng định được uy tín, vị trí, vai trò của Việt Nam là khu vực kinh tế năng động, có đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới, thúc đẩy chuyển đổi cơ bản nền kinh tế.
Điều này cũng khẳng định khả năng kinh doanh, quản trị, tầm nhìn và chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong đầu tư các dự án ở nước ngoài. Sự khởi sắc của hoạt động đầu tư ra nước ngoài thời gian qua là nhờ chuẩn hóa thủ tục đầu tư và hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp bối cảnh mới của cơ quan quản lý, tạo sự thông thoáng, tăng cường hiệu lực quản lý với các dự án ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức với những hạn chế cần sớm khắc phục. Trong đó, hầu hết doanh nghiệp đều gặp phải vấn đề pháp lý khi đầu tư tại nước sở tại, dẫn đến các tranh chấp ngoài mong muốn; thời gian hoàn thiện thủ tục để có được giấy phép đầu tư ra nước ngoài còn kéo dài; chênh lệch về trình độ, kỹ năng của lao động tại nước sở tại tạo ra sự phức tạp nhất định, gây vướng mắc và khó khăn trong quá trình sản xuất, triển khai công việc kinh doanh.
Bên cạnh đó, một nhược điểm cố hữu của doanh nghiệp Việt Nam là hoạt động còn mang tính tự phát, thiếu sự liên kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động đầu tư, kinh doanh trên cùng một địa bàn.
Chính vì vậy, để phát huy hiệu quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam, hạn chế rủi ro, trước hết, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở pháp lý, phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại.
Đồng thời, doanh nghiệp phải có nguồn thông tin tốt, chủ động phòng ngừa những tranh chấp, tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin với nhau. Các bên liên quan cần đẩy nhanh tiến độ thẩm định cấp phép cho các dự án đầu tư ra nước ngoài, giảm thủ tục hành chính, điều chỉnh lại thủ tục xin phép đầu tư, nhất là nâng cao vai trò của các đại sứ và tham tán thương mại tại nước ngoài, xác định đây là cầu nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với nước sở tại.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng, bổ sung những chính sách thiết thực và hấp dẫn hơn để thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường đầu tư ra nước ngoài, cũng như tăng cường giám sát chất lượng dòng vốn để tránh gây tác động tiêu cực; ban hành những công cụ hướng dẫn, kịp thời nắm bắt, giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, rủi ro trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.