Huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) có 33 xã, thị trấn. Sau khi thực hiện sáp nhập khu dân cư, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021, toàn huyện còn 20 xã, thị trấn. Việc sắp xếp, sáp nhập nói trên cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương; tác động đến tâm lý của đội ngũ cán bộ cấp xã, nhất là cán bộ chủ chốt.
Một giải pháp quan trọng được Huyện ủy Hạ Hòa thực hiện nhằm khắc phục khó khăn trong công tác cán bộ tuyến xã là điều động, luân chuyển cán bộ từ huyện về và từ địa phương khác đến đảm trách vị trí chủ chốt.
Qua rà soát, đánh giá, chọn lựa, huyện quyết định cử các đồng chí là cán bộ chủ chốt của 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới về làm bí thư hoặc chủ tịch Ủy ban nhân dân xã mới. Đây đều là những cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý hoặc ở trong quy hoạch chức danh lãnh đạo các phòng, ban, hội-đoàn thể cấp huyện, trẻ tuổi. Đội ngũ này được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất, năng lực và uy tín.
Qua thực tiễn công tác, các đồng chí đã phát huy được năng lực, sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần giúp các địa phương phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới. Theo đồng chí Nguyễn Đức Nhất, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, đến nay, toàn huyện Hạ Hòa có 17 cán bộ chủ chốt được luân chuyển từ xã sang xã, ba đồng chí là cán bộ cấp huyện được luân chuyển về xã, trong đó có hai người làm Bí thư Đảng ủy và một người làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Đồng chí Hà Quang Huy, Bí thư Đảng ủy xã Minh Hạc được Ban Thường vụ Huyện ủy điều động, chỉ định về làm Bí thư Đảng ủy xã Yên Luật để chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023; chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân hiến đất, vật kiến trúc để làm đường giao thông nông thôn, tham gia chỉnh trang nhà văn hóa thôn, xóm, xây dựng đường hoa ở khu dân cư, lắp đặt hệ thống camera an ninh...
Mới đây, xã được tỉnh đánh giá các tiêu chí cơ bản đạt. Đồng chí Trần Xuân Huy, Bí thư Chi bộ 2, xã Yên Luật chia sẻ: Từ khi về nhận công tác tại xã Yên Luật, đồng chí Hà Quang Huy đã phát huy được vai trò của người đứng đầu, luôn gần dân, sát dân, tích cực đi sâu, đi sát nắm bắt tình hình thực tế địa phương trên các lĩnh vực; cùng tập thể Đảng ủy chỉ đạo giải quyết được nhiều việc lớn trong sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, hoàn thành những tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới của xã, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm, ủng hộ cao.
Đồng chí Nguyễn Hồng Quân, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Lương được cử về làm Bí thư Đảng ủy xã Bằng Giã. Bằng trách nhiệm và khả năng của mình, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Đảng bộ xã ban hành nhiều nghị quyết để lãnh đạo toàn diện các mặt kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí xây dựng kế hoạch, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với đảng viên, người dân; chủ động nắm tư tưởng, dư luận của từng chi bộ thôn để tranh thủ quy tụ được sức mạnh trong toàn Đảng bộ và nhân dân trong xã. Từ đó đưa ra các chủ trương phù hợp thực tiễn và phát huy được thế mạnh của địa phương, nhất là được nhân dân đồng thuận ủng hộ tích cực tham gia xây dựng các tiêu chí xã nông thôn mới.
Sau hơn hai năm thực hiện sáp nhập, đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 huyện Cẩm Khê đã điều động, luân chuyển 2 công chức, viên chức cấp huyện trong quy hoạch cấp phó các phòng, ban, đơn vị giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã Sơn Tình và Tạ Xá; điều động, luân chuyển 20 đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt cấp xã.
Đến nay, toàn huyện đã bố trí 13/24 đơn vị có cán bộ làm Bí thư Đảng ủy hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân không là người địa phương; 7 đơn vị có Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã không là người địa phương.
Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Cẩm Khê, thực tế qua điều động, luân chuyển, nhất là điều động luân chuyển cán bộ chủ chốt cấp xã không là người địa phương đã góp phần hạn chế đáng kể tình trạng cục bộ, địa phương, đồng thời làm cho công tác cán bộ ở cơ sở bảo đảm khách quan, dân chủ hơn, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền. Những địa phương có cán bộ chủ chốt không là người địa phương đều chuyển biến tích cực trong các phong trào.
Trước khi được điều động giữ chức danh Bí thư Đảng ủy phường Nông Trang, thành phố Việt Trì, đồng chí Nguyễn Đức Trung là Thành ủy viên, Chánh Thanh tra thành phố. Theo đồng chí Trung, làm cán bộ chủ chốt một phường đa dạng các thành phần dân cư, cần nhất là sự đoàn kết tập thể.
Đồng chí đã cùng Ban Thường vụ bàn bạc, thống nhất lựa chọn những việc khó, tồn tại lâu năm để tập trung giải quyết dứt điểm. Xác định lĩnh vực quản lý, xây dựng đô thị văn minh là vấn đề cấp bách cần được giải quyết, Đảng ủy phường chỉ đạo thực hiện xử lý nghiêm các vi phạm trật tự đô thị, quản lý chặt chẽ công tác trật tự xây dựng, tập trung giải tỏa các khu vực công cộng bị lấn chiếm trái quy định.
Sự quyết liệt của đội ngũ lãnh đạo đã tạo diện mạo cho phường Nông Trang ngày càng khang trang, sạch, đẹp. Nhiều cán bộ và người dân ở thành phố Việt Trì đánh giá, việc luân chuyển cán bộ của thành phố về cơ sở thật sự là bước đột phá trong công tác cán bộ, mang lại luồng gió mới cho cơ sở, tạo được sự đồng thuận, tăng niềm tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ, từ khi có Quy định số 65 của Bộ Chính trị, ngày 28/4/2022 về luân chuyển cán bộ, đến nay toàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển 165 lượt cán bộ. Trong đó, có 25 đồng chí được luân chuyển từ huyện về xã, 9 đồng chí được luân chuyển từ xã lên huyện; 53 đồng chí được luân chuyển từ xã này sang xã khác, 72 đồng chí được luân chuyển giữa các phòng, ban cấp huyện.
Đồng chí Trần Văn Khai, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ chia sẻ: Việc các địa phương làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ diện luân chuyển và với cấp ủy, chính quyền nơi có cán bộ thực hiện điều động, luân chuyển đã tạo hiệu quả hai chiều: Vừa giúp tăng nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, vừa tạo môi trường để cán bộ rèn luyện từ thực tiễn.
Nhờ đó, không riêng đồng chí Hà Quang Huy, đồng chí Nguyễn Hồng Quân mà hầu hết cán bộ được luân chuyển, điều động về cơ sở được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt mục đích luân chuyển, đóng góp công sức, trí tuệ, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương.
Công tác luân chuyển thật sự tạo được động lực mới cho cán bộ phấn đấu, chống tư tưởng trì trệ, khép kín trong tổ chức thật hiện công việc. Nhiều nơi đã kết hợp có hiệu quả luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với thay đổi môi trường công tác và thực hiện chính sách cán bộ.