Hiệu quả các mô hình đoàn kết dân cư ở Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có dân số đông, cư dân nhiều tỉnh, thành phố hội tụ sinh sống, làm việc. Những năm qua, bằng sự nỗ lực của chính quyền địa phương, Mặt trận các cấp, tại nhiều khu dân cư, nhiều mô hình hay trên các lĩnh vực đã được hình thành và duy trì, tạo sự đoàn kết, gắn bó và mang lại giá trị thiết thực trong đời sống.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Mặt trận phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức và người dân dọn dẹp vệ sinh tuyến đường trên địa bàn.
Cán bộ Mặt trận phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức và người dân dọn dẹp vệ sinh tuyến đường trên địa bàn.

Ý nghĩa hơn, các mô hình, phong trào này đều huy động, khơi sức sáng tạo, đóng góp của chính người dân. Nhiều mô hình, phong trào đã được lan tỏa, nhân rộng đến nhiều địa phương khác.

Huy động sức dân

Quận Bình Tân nằm ở vị trí cửa ngõ phía tây nam của Thành phố Hồ Chí Minh, là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đông. Bên cạnh những thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ phát triển, sự gia tăng dân số cơ học khá nhanh đã tạo áp lực lớn cho quận trên nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Bình Tân Nguyễn Thanh Nguyệt cho biết: Góp phần cùng các ngành chức năng kéo giảm phạm pháp hình sự, đơn vị đã thực hiện khảo sát và làm điểm tại khu phố 12, phường Bình Trị Đông để tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức tự giữ gìn tài sản. Mô hình ra mắt từ tháng 3/2017 với việc tặng 100 xích khóa xe máy cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn đã nhanh chóng cho thấy hiệu quả, lan tỏa nhanh trong các tầng lớp nhân dân.

5 tháng sau đó, Ban Thường trực Mặt trận quận đã xây dựng, nhân rộng mô hình “Xích khóa an ninh-giữ gìn tài sản” đến 10 phường (130 khu phố) trong quận. Anh Nguyễn Hồ Việt, ngụ phường Bình Trị Đông đánh giá: Việc này mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tạo môi trường sống an toàn trong các khu dân cư.

Đến nay, quận đã có hơn 80% doanh nghiệp, hộ kinh doanh buôn bán, hộ dân tự nguyện ký cam kết tự trang bị xích khóa và hơn 75% hộ dân (nhất là công nhân thuê trọ) đã trang bị xích khóa để bảo vệ tài sản.

Năm 2020, Ban vận động Quỹ vì người nghèo huyện Bình Chánh hỗ trợ gia đình anh Đỗ Hữu Thanh, sinh năm 1969, ngụ ấp 2, xã Lê Minh Xuân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn một chiếc máy làm nhang mới.

Anh Thanh cho biết: “Có máy mới, các đơn hàng của khách đặt đều bảo đảm giao đúng thời hạn; từ đó, kinh tế gia đình đã ổn định hơn nhiều”. Anh Thanh còn tạo việc làm cho hai gia đình khác trong xã. Anh là một trong các trường hợp được thụ hưởng từ mô hình “Sinh kế trao tay-tương lai bền vững” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Chánh triển khai. Bắt đầu thực hiện từ năm 2016, đến nay, đơn vị đã vận động chăm lo hỗ trợ 403 phương tiện sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hiện đã có 338 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ dân sử dụng hiệu quả đạt 83,87%.

Thành phố Thủ Đức, địa phương có địa giới hành chính, dân số đông nhất Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 211,6 km2 và hơn một triệu dân, đã triển khai mô hình tự quản “5+1” trong công tác bảo vệ môi trường. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Thủ Đức Nguyễn Thị Thanh Luận cho biết: Đến nay, mô hình đã lan tỏa ra hầu khắp các phường của thành phố, tạo nên một phong trào tham gia bảo vệ môi trường trong các khu dân cư.

“5+1” tức là 5 hộ gia đình liền kề trên tuyến đường sẽ lập thành một nhóm để tuyên truyền các chủ trương của thành phố về công tác lập lại trật tự lòng, lề đường và bảo đảm vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Hữu Đài, Tổ trưởng tổ 16, phường Trường Thọ cho biết: Với 40 hộ dân trong tổ, sau khi thành lập các nhóm, công tác vệ sinh trong tổ luôn được giữ gìn sạch sẽ; ý thức của người dân về môi trường cũng tốt hơn rất nhiều. Bà Nguyễn Thị Thanh Luận cũng chia sẻ: Thời gian qua, Mặt trận thành phố tiếp tục phối hợp các đơn vị nhân rộng nhóm tự quản theo mô hình “5+1” để giám sát và vận động nhau cùng thực hiện các nội dung đã cam kết. Tính từ năm 2018 đến nay, Mặt trận các cấp đã thành lập được 12.814 nhóm theo mô hình “5+1”.

Nâng giá trị từ các mô hình

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 312 phường, xã, với 2.008 khu phố, ấp và 25.369 tổ dân phố, tổ nhân dân.

Mặt trận các cấp là đầu mối quan trọng huy động sức dân trong việc chỉnh trang đô thị, cải tạo mảng xanh, thực hiện chính sách an sinh xã hội,... vì mục tiêu xây dựng thành phố “Văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã thật sự tạo gắn kết, khơi sức dân trong thực hiện các mô hình ở khu dân cư.

Đặc biệt, tại nhiều khu dân cư, phong trào vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm đã đạt được nhiều kết quả thuận lợi. Giai đoạn từ năm 2003 đến 2023, thành phố có 50.730 hộ dân tham gia hiến đất mở đường, hẻm với tổng diện tích đã hiến là hơn 3 triệu m2, tổng trị giá khoảng hơn hai nghìn tỷ đồng. Cũng trong thời gian đó, thành phố đã có 2.423 mô hình, cách làm hay, sáng tạo giúp nhau vươn lên thoát nghèo.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Minh Tuấn cho rằng: Hoạt động tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về lợi ích của tinh thần đoàn kết ở khu dân cư đã khơi dậy, phát huy tính tích cực, tự quản, sáng tạo của nhân dân trong việc triển khai các nhiệm vụ của địa phương; thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhấn mạnh về yếu tố đoàn kết trong khu dân cư, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Thông qua các chương trình, triển khai hoạt động phong trào, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, cấp ủy, chính quyền địa phương thêm một lần nữa rút ra bài học gần dân, sát dân, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, củng cố thêm sự gắn kết cộng đồng, tạo ra sức mạnh đoàn kết trên mỗi địa bàn dân cư. Để có khối đại đoàn kết đó, không gì tạo ra sức mạnh bằng việc chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể luôn ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Trong công việc hằng ngày của địa phương, cơ sở, phải thấu triệt tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, tạo mọi điều kiện để người dân được biết công việc của chính quyền, để đề đạt tâm tư, nguyện vọng, bày tỏ ý kiến, kiến nghị; kịp thời giải đáp và giải quyết các thắc mắc, tâm tư, kiến nghị của người dân. Từ đó, người dân sẽ có những hiến kế, cống hiến nhằm xây dựng và phát triển thành phố.