Hiệu quả bước đầu của mô hình chính quyền đô thị

Từ ngày 1/7/2021, thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131 ngày 16/11/2020 của Quốc hội. Qua hơn 9 tháng thực hiện, mô hình đã đem lại một số hiệu quả, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Người dân giao dịch thực hiện thủ tục hành chính tại trụ sở UBND phường 25, quận Bình Thạnh.
Người dân giao dịch thực hiện thủ tục hành chính tại trụ sở UBND phường 25, quận Bình Thạnh.

Tinh gọn bộ máy, phân cấp, phân quyền

Một trong những nội dung trọng tâm của chính quyền đô thị thành phố Hồ Chí Minh là không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) tại 16 quận và 249 phường. Các Văn phòng HĐND-Ủy ban nhân dân (UBND) quận, phường đổi tên thành Văn phòng UBND. Sau khi sắp xếp, thành phố đã giảm được 1.750 cán bộ, công chức, trong đó có 64 biên chế cấp quận và 249 Phó chủ tịch HĐND cấp phường. 

Thành phố cũng đang thực hiện xét chuyển các trường hợp đang là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường và công chức phường thành công chức từ cấp huyện trở lên đúng tiến độ và thời gian quy định. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng đối với đội ngũ công chức phường được chuyển thành công chức cấp quận theo yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn.

Khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, Chủ tịch UBND thành phố đã ủy quyền cho Chủ tịch các quận, huyện; Giám đốc các sở, ngành thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND thành phố. Cụ thể, ủy quyền cho Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp thành phố thực hiện thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư trong khu chế xuất, khu công nghiệp. Ủy quyền cho UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện giải quyết một số thủ tục về quỹ xã hội, quỹ từ thiện; thành lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 thuộc tầng 1 theo mô hình tháp ba tầng tại địa phương.

Ở phường Tân Phú, quận 7, Chủ tịch UBND phường đã ủy quyền cho cán bộ tư pháp-hộ tịch thực hiện ký chứng thực bản sao các giấy tờ, chứng thực chữ ký trong các giấy tờ... Để bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của UBND phường, các kết luận, quyết định của phường đều được đưa lên Cổng thông tin điện tử của phường để người dân biết. Chủ tịch UBND phường cũng sắp xếp lịch để đối thoại với cộng đồng dân cư, tổ dân phố và gửi kết quả đối thoại đến HĐND, UBND cấp quận.

Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành quản lý, xây dựng chính quyền số. Bước đầu, bộ máy của mô hình chính quyền đô thị đã nhanh chóng đi vào hoạt động và vận hành hiệu quả, bảo đảm giải quyết liên tục các hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp...

Những vướng mắc cần sớm tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố Hồ Chí Minh cũng thừa nhận triển khai mô hình chính quyền đô thị chậm, chưa tác động nhiều đến đời sống, kinh tế-xã hội của thành phố. Thành phố đang gặp khó khăn lớn về số lượng biên chế cán bộ, công chức cấp phường. Theo quy định, tổng số cán bộ, công chức mỗi phường tối đa không quá 23 người đối với đơn vị hành chính loại 1. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ bố trí được bình quân 21 người mỗi phường vì đã giảm hai cán bộ do không còn chức danh Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách nên khó đáp ứng được nhu cầu của công việc và công tác quản lý nhà nước hiện nay. 

Tại thành phố Thủ Đức, theo quy định, chỉ có tối đa ba cấp phó tại các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp nên khó đáp ứng nhu cầu về nhân sự giải quyết công việc của địa phương khi thành phố Thủ Đức được hình thành từ việc sáp nhập ba quận lớn của thành phố. Ngoài ra, với số lượng người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn hiện đã giảm bình quân 8 người mỗi phường thì chưa đáp ứng được khối lượng công việc tại cấp cơ sở.

Ở lĩnh vực tài chính, trước đây, UBND phường thực hiện quản lý ngân sách theo Thông tư số 344/2016 của Bộ Tài chính. Hiện, phường không còn là một cấp ngân sách nhưng vẫn chưa có thông tư mới hướng dẫn quản lý tài chính và chế độ kế toán dẫn đến việc không đáp ứng kịp thời nhu cầu kinh phí cho quận, phường thực hiện nhiệm vụ chính trị cấp bách của địa phương; ảnh hưởng việc nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị...

Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Trung ương cho phép bố trí số lượng cán bộ, công chức phù hợp; cho phép thành phố căn cứ vào đặc điểm tình hình, yêu cầu của thực tiễn và ngân sách thành phố để quyết định thêm số lượng, chức danh và chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. 

Về phân cấp, ủy quyền, cho phép thành phố mở rộng phạm vi ủy quyền đối với các lĩnh vực then chốt như: Quản lý đầu tư công; quản lý đất đai, quản lý đô thị, quản lý ngân sách; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất... Trong lĩnh vực tài chính, thành phố kiến nghị Trung ương sớm ban hành quy trình hoặc cơ chế thực hiện bổ sung, điều chỉnh dự toán ngân sách của đơn vị dự toán cấp 1 đơn giản, thuận lợi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. UBND quận và phường sẽ chịu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng dự toán ngân sách chi điều hành kinh tế-xã hội tại quận, phường bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật...