Cùng suy ngẫm

Hiểu đúng về tu bổ di tích

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao bởi di tích chùa Cầu (thành phố Hội An, Quảng Nam) có một diện mạo "mới" khi chuẩn bị được khánh thành sau một thời gian tu bổ. Rất nhiều ý kiến cho rằng, di tích đã bị "trẻ hóa" sau khi được đầu tư trùng tu với kinh phí hơn 20 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Chùa Cầu sau khi trùng tu. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN
Chùa Cầu sau khi trùng tu. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN

Chùa Cầu là một trong những di tích nổi tiếng nhất của Di sản văn hóa thế giới Phố cổ Hội An, ghi dấu sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam-Nhật Bản những thế kỷ trước. Việc trùng tu chùa Cầu được tiến hành từ năm 2022. Phần bên trong di tích, các cấu kiện gỗ cũ được tận dụng tối đa, chỉ có một số cấu kiện được thay thế, sửa chữa, nhưng được sơn màu cánh gián nên khá tương đồng với cấu kiện cũ. Phần bị dư luận chê nhiều nhất là phần mái di tích. Sau khi có những ý kiến chỉ trích, nhiều người lấy những tấm ảnh cũ để so sánh với diện mạo sau khi tu bổ của chùa Cầu.

Có thể thấy, toàn bộ hình thái, kích thước của phần mái kiến trúc sau khi tu bổ được giữ nguyên như cũ. Các họa tiết đắp nổi trên nóc di tích cũng được giữ đúng hình dáng, kích thước trước đây. Sau tu bổ, chùa Cầu vẫn dùng ngói âm dương, phần diềm mái (hay bờ mái chảy), mỗi hàng ngói được gắn một chiếc đĩa men lam như di tích gốc.

Khác biệt lớn nhất và cũng là phần bị chê nhiều nhất là màu ngói, nhất là các phần dùng vữa như trang trí họa tiết, bờ nóc, vữa kết dính vật liệu ngói âm dương... đều mới hơn. Phần hoa văn đắp nổi trên mái cũng "nổi bật" hơn do được sơn màu lam trên nền trắng.

Việc trùng tu di sản nhận được cả sự khen và chê không phải là hiếm. Cách đây hơn một năm, biệt thự số 49 phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị dư luận có nhiều ý kiến không đồng thuận vì màu sơn "quá mới". Phải đến khi các chuyên gia Pháp công bố rõ quá trình khảo sát, nghiên cứu, phương pháp trùng tu và màu sơn cũ của biệt thự được tìm thấy qua quá trình khảo sát, dư luận mới dịu xuống.

Để đánh giá thành công hay thất bại của một di tích sau khi trùng tu, không thể chỉ bằng cái nhìn cảm quan. Thực tế, nhiều di tích gần như bị bỏ đi hết các cấu kiện cũ, thay bằng cấu kiện mới, nhưng sau đó được "sơn phết" giả cổ, cho nên rất dễ "vừa mắt" mọi người. Để đánh giá hiệu quả trùng tu, trước hết cần quan tâm đến nguyên tắc và phương pháp trùng tu.

Với trường hợp chùa Cầu, đơn vị trùng tu đã giữ lại tối đa các cấu kiện có thể tái sử dụng, thay thế những cấu kiện cần thiết. Hình thái, kích thước, trang trí của chùa Cầu được giữ vững. Cần lưu ý rằng, việc tu bổ chùa Cầu không chỉ được thực hiện bởi các chuyên gia Việt Nam, mà còn có sự tham gia của các chuyên gia đến từ tổ chức JICA của Nhật Bản - quốc gia nổi tiếng về công tác bảo tồn, trùng tu di tích.

Phần bị chê chính là phần thay đổi lớn nhất, tức màu sắc. Nguyên nhân chính là do chưa có "màu thời gian". Về vấn đề này, việc sơn phết để cho chúng "giả cổ" không phải là khó. Nhà thờ Lớn ở Hà Nội sau khi trùng tu đã cho phun sơn giả rêu phong. Nhưng trong con mắt của nhiều chuyên gia, người ta mong muốn di tích sẽ "lên màu" cùng thời gian một cách tự nhiên, điển hình cho phương pháp này là di tích Ô Quan Chưởng.

Việc dư luận quan tâm đến tu bổ chùa Cầu là tín hiệu cho thấy người dân quan tâm hơn đến di sản. Song, cần có hiểu biết đúng đắn về công tác tu bổ di tích trước khi đưa ra nhận xét. Nếu chỉ hùa vào quan điểm của một số cá nhân trên mạng xã hội sẽ gây tổn hại đến công tác bảo tồn, tu bổ di tích nói chung.