Việc bảo vệ di tích đặc biệt cũng phải đặc biệt

Có thể thấy niềm vinh dự lớn cho khu di tích danh thắng Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) khi vừa được xếp hạng và trao bằng chứng nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Ngược lại, giá trị của những danh hiệu còn được chứng minh bằng những gì được đón nhận danh hiệu đó, vì thế có thể thấy đây cũng chính là vinh dự của “danh hiệu” Di tích quốc gia đặc biệt khi “đính” vào một địa chỉ được xếp vào hàng đệ nhất trời nam, với bề dày truyền thống văn hóa, tôn giáo đặc sắc.

Vẻ đẹp cảnh quan danh thắng Hương Sơn.
Vẻ đẹp cảnh quan danh thắng Hương Sơn.

Ngẫm những tồn tại

Hẳn rằng, những trầm tích văn hóa, truyền thống tốt đẹp của Di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương), cộng với những khởi sắc ở địa phương những năm qua do quần thể này đem lại, đã dẫn đến việc tiếp tục tôn vinh, đề cao một địa chỉ nổi tiếng trong và ngoài nước. Phải khẳng định rằng, việc phát triển du lịch tâm linh, hoạt động lễ hội chùa Hương những năm qua đã đem lại nguồn thu lớn, sự cải thiện đời sống người dân sở tại, cùng sự mở mang, khang trang của hệ thống đường sá, nhà cửa, chợ búa, bến bãi…, phục vụ người dân địa phương và khách thập phương.

Nhưng cũng cần nhắc lại - không thừa, về những băn khoăn từng đặt ra cho việc tổ chức, duy trì, quản lý hoạt động lễ hội, dịch vụ ở nơi thắng tích danh tiếng này. Nhiều năm qua, “đến hẹn lại lên”, mùa hội chùa Hương mở ra, kéo dài trong ba tháng. Cùng với niềm hoan hỷ, lòng thành kính hướng về, dư luận, báo giới, khách đi hội cũng lo lắng với nhiều bất cập. Đó là: tình trạng đeo bám, chào mời tiềm ẩn nguy cơ tai nạn; nạn vòi tiền “lộc” đi xuồng đò chưa xử lý triệt để; tình trạng tràn lan của quá nhiều nhà hàng, quán ăn, dịch vụ mua sắm đồ lễ, viết sớ, hàng lưu niệm… gây ảnh hưởng đến đường đi lối lại, ảnh hưởng đến không khí tôn nghiêm; rồi ý thức chưa cao của một số du khách trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan, gây ô nhiễm, suy giảm vẻ đẹp tự nhiên khu danh thắng; ngay cả hoạt động tự ý xây lắp, tôn tạo cũng đã diễn ra tại chùa, được dư luận góp ý… Những tồn tại này từ nay, càng đặt thách thức lớn hơn lên các cơ quan chức năng địa phương và nhà chùa, khi khu di tích danh thắng đã được coi là di tích quốc gia đặc biệt.

Phải xứng với ý nghĩa “đặc biệt”

Điều đó có nghĩa là, các khu vực vùng lõi, khu vực vành đai của các di tích và thắng cảnh càng phải được bảo vệ chặt chẽ. Những cảnh quan đẹp đẽ của núi, của suối, của rừng… phải được giữ gìn, chăm sóc cẩn trọng, tránh để xảy ra những tác động xấu của con người, của hoạt động sửa sang, cơi nới. Hệ thống các hàng quán dày đặc vào mùa lễ hội cần được giảm bớt, giãn bớt khoảng cách từ các khu vực chung quanh di tích như đền Trình, chùa Thiên Trù, động Hương Tích và các điểm thờ tự, danh thắng khác, đồng thời việc sử dụng loa âm lượng lớn cùng những hình ảnh treo thịt thà, đồ ăn phản cảm cũng phải bị ngăn cấm…

Thực tế, không phải khi được xếp hạng “đặc biệt”, mà với giá trị, tầm vóc, ý nghĩa của mình, khu di tích danh thắng Hương Sơn đã đáng phải được nâng niu, giữ gìn hơn, được nghiên cứu việc khai thác phục vụ du lịch lễ hội, du lịch tâm linh một cách vừa phải, văn minh, lịch thiệp và đậm chất văn hóa hơn. Để vừa có thể phát triển du lịch, giúp tăng trưởng kinh tế cho địa phương, vừa vẫn bảo tồn bền vững khu di tích danh thắng. Và đặc biệt, khiến cho việc duy trì hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống ở nơi này càng đem lại những tác động tốt vào suy nghĩ, tâm thức, tác phong, tư thế những người đến với chùa Hương, kể cả người dân sở tại. Tuy nhiên, những thực trạng diễn ra qua nhiều năm, như dư luận đã phản ánh, cho thấy một vấn đề không nhỏ: du lịch phát triển, hoạt động lễ hội thêm sôi nổi, đông đúc, địa phương thêm nguồn thu, nhưng những ảnh hưởng đến thiên nhiên, tính thực dụng trong dịch vụ lễ hội được tổ chức tràn lan và tranh thủ khai thác, đã tạo ra không ít cảnh tượng, nền nếp chưa hay, không đẹp ở nơi này. Đó là nguy cơ suy giảm cả vẻ đẹp di tích, thiên nhiên lẫn tâm tính con người. Và với nơi cảnh đẹp, chùa thiêng, giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng tiềm tàng, truyền thống sinh hoạt lễ hội lâu đời, thì đó là điều đáng tiếc, đáng lo!

Với các lễ hội lớn, quy mô, kéo dài, thường việc tổ chức không đợi đến sát ngày. Với những “mùa xuân Hương Tích” thu hút hàng triệu người hành hương và hàng nghìn cư dân sở tại bước vào vòng quay khai thác lễ hội, thì việc chuẩn bị còn sớm hơn nhiều. Bước sang đầu quý IV tới đây, nhất là khi khu di tích danh thắng vừa được xếp hạng “đặc biệt”, hẳn rằng mùa lễ hội chùa Hương năm mới sẽ được tính đến. Mong rằng, những tính toán, điều phối để cải tiến việc bảo vệ cảnh quan, giữ sạch môi trường, phòng, chống hàng quán dày đặc, ồn ào cùng những tiêu cực lễ hội khác, sẽ được triển khai một cách ráo riết, không kém gì những đầu việc sinh lời.