Hiệp định RCEP mở ra hy vọng hồi sinh cho nền kinh tế Nhật Bản

NDO -

Với việc Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, Nhật Bản và các quốc gia thành viên hy vọng có thể hồi sinh nền kinh tế bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thông qua việc thúc đẩy thương mại tự do trong khối kinh tế được đánh giá là lớn nhất thế giới này.

Tàu chở hàng cập cảng tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 4/11. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Tàu chở hàng cập cảng tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 4/11. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Theo hãng Kyodo, tác động của RCEP đối với nền kinh tế Nhật Bản là rất khả quan.

Báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố mới đây cho rằng Nhật Bản sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP nhờ mức thuế thấp hơn, phần lớn là do tác động chuyển hướng thương mại.

Chính phủ Nhật Bản ước tính RCEP có thể giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này tăng thêm khoảng 2,7% và tạo thêm khoảng 570.000 việc làm.

Xuất khẩu hằng năm của Nhật Bản sang các nước thành viên RCEP cũng được dự báo tăng 5,5% (khoảng 20 tỷ USD) so với năm 2019.

Trong khi đó, thương mại toàn khối dự kiến tăng gần 42 tỷ USD, tương đương mức tăng 2%.

Tháng 11 vừa qua, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nhận định RCEP sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản và khu vực.

Ông nhấn mạnh các quốc gia thành viên RCEP sẽ đóng vai trò hàng đầu trong việc xây dựng một trật tự kinh tế dựa trên các quy tắc.

RCEP là hiệp định thương mại tự do được ký kết vào tháng 11/2020 giữa 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng 5 đối tác của ASEAN gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc.

Với thị trường 2,3 tỷ dân, chiếm 30% dân số toàn cầu, RCEP được coi là FTA lớn nhất hiện nay.

Các quốc gia thành viên RCEP chiếm tới 33,6% GDP của thế giới và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu.