Hiệp định Paris: Thắng lợi của sự nghiệp chung

Phía Mỹ ký Hiệp định Paris.
Phía Mỹ ký Hiệp định Paris.

Hội nghị hòa bình Paris khởi đầu từ năm 1968 trong bối cảnh lịch sử đặc biệt. Phong trào phản đối chiến tranh ở nước Pháp lên cao kể từ sau cuộc chiến tranh của Pháp ở Ðông Dương và Algeria. Ði đầu trong phong trào phản đối chiến tranh ở Pháp là Ðảng Cộng sản Pháp, Ủy ban Việt Nam, Hội Sinh viên Pháp và Công đoàn Pháp. Trong đó, Ủy ban Việt Nam tập hợp nhiều đảng, phái cánh tả và Hội Sinh viên Pháp là một trong những lực lượng ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta nhiệt tình nhất, mạnh mẽ nhất và kiên quyết nhất. Ðây chính là sự hậu thuẫn to lớn giúp các đoàn đàm phán Việt Nam thêm tự tin, kiên định trong đàm phán tới thắng lợi cuối cùng.

Ðóng góp hiệu quả nhất và to lớn kể cả vật chất và tinh thần cho hai đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam trong suốt thời gian diễn ra đàm phán là cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc ở Pháp. Toàn thể cộng đồng người Việt tại Pháp gồm trí thức, sinh viên, công nhân, công chức, tất cả tùy vào hoàn cảnh và khả năng, đều đóng góp giúp đỡ đoàn.

Ông Trương Phong Tống, Việt kiều tại Pháp, năm nay 79 tuổi, vẫn nhớ như in những ngày tháng lịch sử ấy. Ông Tống được giao nhiệm vụ giúp đỡ Ðoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với vốn giỏi tiếng Pháp, ông được phân công làm giúp việc văn phòng và phiên dịch. Sau đó ông được cử giúp Ban Báo chí dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Thành Lê và sự giúp đỡ của các nhà báo Hồng Hà, Nguyễn Hữu Chỉnh, Lê Bình. Trong thời gian này, nhà báo kỳ cựu Nguyễn Thành Lê, Người phát ngôn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân, đã hướng dẫn ông Tống và các bạn sinh viên Việt kiều giúp việc cho Ban Báo chí cách thức tổ chức, thu thập thông tin và làm báo.

Với ông Nguyễn Ðức Phương, kỷ niệm về những ngày Hội nghị Paris luôn ghi đậm trong tâm trí. Phụ trách Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp suốt những năm diễn ra Hội nghị Paris, ông Phương đã cùng các anh em trong Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp thiết lập mối liên hệ chặt chẽ với Hội Sinh viên Pháp và các hội sinh viên quốc tế học tập tại Pháp để tổ chức nhiều hoạt động ủng hộ Việt Nam. Một điểm đặc biệt là trong suốt 5 năm diễn ra Hội nghị Paris, mỗi năm có hàng nghìn sinh viên Mỹ sang học tập tại Pháp, nhưng Hội  Sinh viên Mỹ không có bất kỳ hành động nào ủng hộ chính quyền Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa. Ngược lại, sinh viên Mỹ lại tham gia rất tích cực trong các hoạt động ủng hộ hai phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam và các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Tại cư xá quốc tế, nơi ở của sinh viên quốc tế ở thủ đô Paris, Hội Sinh viên Việt Nam thường tổ chức những buổi gặp gỡ với các hội sinh viên quốc tế đang học tập tại Pháp. Các cuộc biểu tình chống chiến tranh của sinh viên các nước Mỹ, Canada, Thụy Ðiển, Ðức, Bỉ, Hà Lan, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, v.v. trở thành ngọn lửa thúc đẩy làn sóng phản chiến lan rộng và giúp thức tỉnh lương tri nhân loại trong bối cảnh bị chính phủ nước sở tại bưng bít thông tin và sự thật về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Ngoài hoạt động trong phong trào sinh viên, ông Phương cũng tham gia đóng góp tích cực giúp các thành viên Ban Báo chí của Ðoàn đàm phán Việt Nam. Vốn là thành viên trong Ban Biên tập báo Ðoàn kết, cơ quan ngôn luận của Hội Việt kiều tại Pháp, và đã quen việc viết báo, ông tham gia làm Bản tin hằng tuần về Hội nghị Paris. Ðây là những công cụ tuyên truyền nhanh chóng và kịp thời để cộng đồng Việt kiều và quốc tế nắm bắt đầy đủ nhất những thông tin về diễn tiến của Hội nghị Paris.

Phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam luôn được người dân Pháp ủng hộ nhiệt tình. Mỗi đợt xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh, hàng trăm nghìn người đồng lòng ủng hộ, hô vang các khẩu hiệu Việt Nam chiến thắng, Ðả đảo chiến tranh... Trong 12 ngày đêm Mỹ ném bom B52 xuống thủ đô Hà Nội, cả nước Pháp cũng không ngủ với hàng trăm cuộc biểu tình nổ ra trên toàn quốc. Ði biểu tình ủng hộ Việt Nam trở thành nghĩa vụ thiêng liêng của những người tiến bộ đấu tranh cho lương tri, phẩm giá của con người.

Phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam cũng phát triển vô cùng mạnh mẽ ở khắp các địa phương trên toàn nước Pháp. Ông Cấn Văn Kiệt, nguyên Phó Tổng Thư ký Chi hội người Việt Nam tại thành phố Marseille thời kỳ Hội nghị Paris, không quên những ngày tháng hoạt động gian khổ nhưng vô cùng sôi nổi ấy. Chi hội người Việt Nam tại thành phố Marseille vốn có truyền thống yêu nước. Tiếp nối truyền thống quý báu đó, bản lĩnh và tinh thần yêu nước tiếp tục được những người Việt Nam ở Marseille khơi dậy. Trong thời gian diễn ra Hội nghị Paris, cộng đồng người Việt Nam tại Marseille vinh dự được đón nhiều đoàn công tác của hai đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam. Hình ảnh của Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình và Bộ trưởng Xuân Thủy đã trở nên thân thiết với bà con thành phố Marseille. Nhiều bác công nhân cao tuổi bật khóc vì sung sướng khi nhìn lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh bay trong gió Ðịa Trung Hải. Các thành viên các đoàn công tác tới Marseille đều được bố trí ăn, nghỉ chu đáo.

Không thể kể hết những đóng góp, những tình cảm của cộng đồng người Việt Nam và bạn bè Pháp và quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh của dân tộc. Có nhiều người được nêu tên, nhưng cũng có rất nhiều người đóng góp thầm lặng. Nhưng tất cả không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, quốc tịch đều tham gia với ước muốn cháy bỏng là hòa bình cho Việt Nam. Chính ước muốn cháy bỏng ấy đã được đền đáp khi Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27-1-1973 và trở thành hiện thực với ngày 30-4-1975 lịch sử, cả nước Việt Nam thống nhất, non sông thu về một mối.

HUY THẮNG
Phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Pháp