Hiệp định Geneva - một mốc quan trọng của sự nghiệp cách mạng và ngoại giao Việt Nam

Ngày 20-7-1954, tại Geneva (Thụy Sĩ), Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết. Một ngày sau đó, Hội nghị Geneva đã ra Tuyên bố cuối cùng khẳng định "tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Cao Miên, Lào và Việt Nam".

Tiếp sau và gắn với chiến thắng lẫy lừng ở Ðiện Biên Phủ, sự kiện này là một "thắng lợi to" về ngoại giao như Hồ Chủ tịch đã đánh giá trong Lời kêu gọi của Người nhân Hiệp định Geneva được ký kết.

Thật vậy, việc ký kết Hiệp định Geneva có ý nghĩa lớn lao, trở thành một mốc rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng lâu dài và gian khổ của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng.

Với Hiệp định Geneva, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp, giải phóng hoàn toàn miền bắc, làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc chiến đấu tiếp theo của dân tộc ta nhằm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 21 năm sau đó. Ðồng thời Hiệp định Geneva là sự thất bại của các thế lực thực dân xâm lược Pháp và các thế lực hiếu chiến trong giới cầm quyền Mỹ lúc đó muốn  kéo dài chiến tranh.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã tham dự trên cơ sở bình đẳng một Hội nghị quốc tế có sự tham gia của năm cường quốc thế giới là Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ và cũng là lần đầu tiên một văn kiện quốc tế đã long trọng tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta cùng với Lào và Cam-pu-chia.

Tiếp sau việc đình chiến trên bán đảo Triều Tiên, Hiệp định Geneva là một đóng góp quan trọng vào xu thế hòa bình trên thế giới, đáp ứng chủ trương của các nước xã hội chủ nghĩa anh em muốn có hòa bình, thực hiện hòa hoãn để xây dựng.

Cùng với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Hiệp định Geneva là nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với các dân tộc thuộc địa vùng lên đấu tranh giành lại những quyền dân tộc cơ bản của mình, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ.

Năm tháng trôi đi song cuộc đàm phán để đi tới Hiệp định Geneva đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá.

Ðó là bài học về kết hợp các mặt trận đấu tranh, tạo nên sức mạnh tổng hợp, biến yếu thành mạnh để giành thắng lợi. Với Hội nghị Geneva chúng ta đã kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị với đấu tranh ngoại giao. Với quyết định tham gia Hội nghị Geneva, chúng ta đã gắn kết thắng lợi trên mặt trận quân sự với cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán. Chính những thắng lợi giòn giã trên các chiến trường cả nước mà đỉnh cao là chiến thắng Ðiện Biên Phủ đã tạo nên thế mới cho cuộc đấu tranh ngoại giao. Hội nghị Geneva đã chính thức khai mạc một ngày sau thắng lợi của ta ở Ðiện Biên Phủ và trên cơ sở những thắng lợi trên chiến trường Ðoàn đã đưa ra lập trường tám điểm với nội dung đầu tiên là Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Không có những thắng lợi trên chiến trường tạo nên thế mới thì khó giành được thắng lợi trên bàn Hội nghị. Nói như vậy không có nghĩa là đấu tranh ngoại giao đóng vai trò thụ động; trái lại dựa trên thế và lực đạt được trên chiến trường cũng như sự vững chắc về chính trị và sự tiến bộ về kinh tế trong nước, nhờ nghệ thuật tiến hành khôn khéo, ngoại giao có thể đóng vai trò tích cực của mình.

Bài học thứ hai của Hiệp định Geneva là một lần nữa ngoại giao Việt Nam lại thể hiện sáng rõ tư tưởng của Hồ Chủ tịch: nguyên tắc phải vững chắc, sách lược phải linh hoạt. Cái nguyên tắc trong Hiệp định Geneva là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta phải được giữ vững; quân đội nước ngoài phải rút khỏi Việt Nam; công việc của Việt Nam phải do chính nhân dân Việt Nam tự quyết định. Ðoàn đại biểu Việt Nam đã kiên định những nguyên tắc cơ bản đó trong suốt thời gian Hội nghị và chúng đã được chính thức ghi nhận trong Hiệp định Geneva. Cái sách lược trong Hiệp định Geneva là chúng ta đã chấp nhận vĩ tuyến 17 là giới tuyến tạm thời, đồng ý tập kết quân của hai bên, tiến hành tổng tuyển cử sau hai năm...

Gắn với bài học trên là bài học đánh thắng từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Vốn là một nước không lớn lại nghèo song luôn luôn phải đối mặt với các cuộc chiến tranh xâm lược của các nước lớn, mạnh hơn nhiều về mặt vật chất, nhân dân ta cần có thời gian để tích lũy và phát triển lực lượng, chuyển hóa cục diện, giành thắng lợi từng bước, từ nhỏ tới lớn, tạo thời cơ giành thắng lợi quyết định. Trong hoàn cảnh giữa những năm 50 của thế kỷ trước, khi "lực lượng so sánh giữa ta và địch biến chuyển có lợi cho ta nhưng chưa phải biến chuyển căn bản có tính chiến lược" thì việc phải chấp nhận những thỏa thuận mang tính sách lược như nêu ở trên là điều có thể hiểu được, thể hiện sáng tỏ tư tưởng "hòa để tiến" chứ không phải là "hòa để dừng".

Các cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta chống chiến tranh xâm lược vì độc lập, thống nhất của đất nước, tự do của nhân dân là bộ phận không tách rời của cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội, được cả loài người tiến bộ, kể cả nhân dân các nước tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta nhiệt liệt ủng hộ. Ðiều đó đã được thể hiện sáng tỏ ngay cả trong cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống "chiến tranh bẩn thỉu" của thực dân Pháp. Vì vậy Hiệp định Geneva đồng thời cũng là kết quả của sự ủng hộ mà nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, trong đó có nhân dân Pháp dành cho nhân dân ta. Mặt khác, thắng lợi của nhân dân ta đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì những mục tiêu lớn của thời đại. Một nhân tố không thể không tính đến là vào thời điểm đó các nước anh em đều có nguyện vọng củng cố hòa bình, thực hiện chính sách hòa dịu để phát triển đất nước. Với cuộc đình chiến trên bán đảo Triều Tiên, xu thế chấm dứt xung đột phát triển. Với những ý nghĩa nói trên Hiệp định Geneva đã làm nổi bật bài học về sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại  được lưu truyền và vận dụng sáng tạo trong những giai đoạn sau.

Ngày nay khi nhân dân ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" trên con đường xã hội chủ nghĩa thì những bài học của Geneva 1954 vẫn còn nguyên giá trị, tuy nhiên trong hoàn cảnh mới chúng cần được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo để phục vụ tốt nhất cho lợi ích của dân tộc ta.