Hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô

Năm mới Giáp Thìn 2024 đã đến mang theo sức xuân và khát khao thành công, thịnh vượng. Nhân dịp này, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã dành cho Báo Nhân Dân cuộc trao đổi, chia sẻ nhận định và những định hướng lớn trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Phóng viên: Trước hết, chúng tôi xin chúc mừng đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội về những kết quả toàn diện mà Thủ đô đã đạt được trên các lĩnh vực trong năm Quý Mão 2023. Đồng chí có thể cho biết cảm xúc sau một năm đầy khó khăn, nhưng Hà Nội đã đạt được những thành quả rất đáng tự hào?

Đồng chí Đinh Tiến Dũng: Đúng là đến giờ phút này nhìn lại, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và toàn thể quân dân Thủ đô đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng đạt được trong năm 2023 thật đáng tự hào. Tình hình khó khăn do những bất ổn trên thế giới, xung đột gia tăng; lạm phát, tỷ giá, nguy cơ suy thoái.... Nhưng từ kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19, chúng ta rất vững vàng; càng khó khăn, thách thức, chúng ta càng phải bình tĩnh, tự tin, sáng tạo trong xử lý công việc; phải bảo đảm Đảng lãnh đạo toàn diện, trong chỉ đạo cần có trọng tâm, trọng điểm, không ngại việc khó, việc tồn tại kéo dài.

Thí dụ như trong lĩnh vực kinh tế, do tác động của tình hình thế giới, cho nên nhiều lĩnh vực mũi nhọn không duy trì được tốc độ tăng trưởng. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, Hà Nội đã tập trung phát triển mảng dịch vụ, đồng thời khơi thông nguồn lực từ văn hóa, vừa giữ gìn, phát huy giá trị trường tồn của Thủ đô ngàn năm văn hiến, giữ gìn truyền thống văn hóa, vừa tạo việc làm và tạo nguồn thu bền vững.

Thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng thời ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực văn hóa (cùng với lĩnh vực y tế và giáo dục). Từ khi triển khai thực hiện đến nay, hơn 1.000 công trình, dự án thuộc ba lĩnh vực đã được hoàn thành, tạo sức bật mới cho du lịch, dịch vụ.

Trong bối cảnh cả nước gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương giảm, Hà Nội vẫn bền bỉ tăng trưởng, mức tăng GRDP 6,27% năm 2023 tuy chưa đạt mục tiêu của thành phố, nhưng vẫn cao hơn so mức tăng trưởng chung của cả nước là 5,05%.

Hai năm nay, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu nội địa, đó là nguồn thu phản ánh nội lực của nền kinh tế. Năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố lần đầu tiên vượt mức 300.000 tỷ đồng - đạt 332.089 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa cũng lần đầu tiên đạt mức 302.917 tỷ đồng, cao nhất cả nước.

Năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố lần đầu tiên vượt mốc 400.000 tỷ đồng - đạt hơn 410.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa tiếp tục dẫn đầu cả nước với trên 381.000 tỷ đồng.

Hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô ảnh 1

Đồng chí Đinh Tiến Dũng kiểm tra tiến độ dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô tại huyện Mê Linh, Hà Nội.

Phóng viên: Ấn tượng nổi bật của năm 2023 là Hà Nội không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ thường xuyên, trước mắt, mà còn cụ thể hóa tư duy, tầm nhìn chiến lược thành sản phẩm để chuẩn bị cho tương lai 20, 30 năm tới. Đến thời điểm này, tiến độ thực hiện những công việc chuẩn bị cho tương lai của thành phố thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Đinh Tiến Dũng: Có hai việc lớn phải nhắc tới. Thứ nhất, chúng ta đã khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô đúng kế hoạch. Đây là dự án mang tính chiến lược, là động lực kết nối vùng, thúc đẩy tăng trưởng không chỉ cho Hà Nội.

Vừa rồi, tôi đi kiểm tra dọc tuyến qua 7 quận, huyện ở Hà Nội và qua hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, làm việc với các bên, nhìn chung tình hình tiến độ rất khả quan. Cả ba tỉnh, thành phố đã hoàn thành giải phóng mặt bằng hơn 93% diện tích, trong đó Hà Nội hoàn thành với tỷ lệ cao nhất - hơn 96%; cả ba tỉnh, thành phố đều quyết tâm phấn đấu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 31/3/2024.

Trên toàn tuyến đường song hành, Hà Nội đã tổ chức 32 mũi thi công; Bắc Ninh, Hưng Yên cũng triển khai các mũi thi công trên toàn tuyến trong quý I/2024. Với tình hình tiến độ hiện nay, trong năm 2025 chúng ta sẽ hoàn thành đường song hành Vành đai 4.

Thứ hai, thành phố đã triển khai một bước rất quan trọng hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô với ba nội dung lớn, đó là: Phối hợp xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để tháo gỡ khó khăn về thể chế; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bố trí không gian phát triển.

Cả ba nhiệm vụ này đến nay đều cho kết quả tốt. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến với sự đồng thuận rất cao tại kỳ họp thứ sáu. Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Còn đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các báo cáo quan trọng đã được hoàn thành.

Thành phố đang hướng tới mục tiêu trình và được Quốc hội thông qua ba nội dung quan trọng này vào kỳ họp thứ bảy diễn ra vào tháng 5/2024. Đây là những việc rất lớn và có ý nghĩa lịch sử, quyết định đến sự phát triển bền vững, lâu dài của Thủ đô.

Hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô ảnh 3

Hạ tầng đô thị Hà Nội phát triển ngày càng hiện đại hơn. (Ảnh: Công Hùng)

Phóng viên: Phát triển hạ tầng là một trong những đột phá chiến lược. Cùng với tập trung đầu tư đường Vành đai 4, thành phố có định hướng gì về lĩnh vực này, thưa đồng chí?

Đồng chí Đinh Tiến Dũng: Chủ trương chung của thành phố nhiệm kỳ này là cố gắng khép kín các đường Vành đai.

Đường Vành đai 1, Vành đai 2 cơ bản đã xong, Vành đai 3 còn một đoạn 14km bên huyện Đông Anh thì thành phố quyết định làm nốt bằng tiền ngân sách. Đường Vành đai 4 đang được triển khai quyết liệt.

Các tuyến đường cửa ngõ vào Thủ đô cũng phải được cải thiện. Thành phố đã quyết định đầu tư quốc lộ 6, đoạn từ Hà Đông đi Xuân Mai làm rộng như đoạn Nguyễn Trãi, đoạn từ cuối Đại lộ Thăng Long đi lên cao tốc Hà Nội-Hòa Bình cũng được làm to rộng như Đại lộ Thăng Long. Ở khu vực phía nam thành phố, chúng ta sẽ làm tiếp đoạn từ Hà Đông, qua Thanh Trì...

Ngoài ra, thành phố tập trung tiến hành các thủ tục để sớm đầu tư xây dựng những cầu vượt sông Hồng, tăng cường hạ tầng kết nối quan trọng như cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi, cầu Thượng Cát...

Thành phố phối hợp để sớm triển khai xây dựng 3 cầu vượt sông Hồng và sông Đuống trên đường Vành đai 4, gồm cầu Mễ Sở, Hồng Hà vượt sông Hồng và cầu Hoài Thượng vượt sông Đuống. Đây là 3 cây cầu có ý nghĩa quan trọng để kết nối liên thông và đưa vào vận hành khai thác cùng với đường song hành Vành đai 4. Tuy nhiên, do 3 cầu này thuộc Tiểu dự án đầu tư công trong dự án thành phần 3 (PPP) dự án Vành đai 4, nên tiến độ chậm. Thành phố đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện những tiểu dự án đầu tư công trong Dự án PPP này như một dự án đầu tư công thông thường để rút ngắn tiến độ.

Cùng với đó, thành phố xác định là phải phát triển hệ thống giao thông công cộng thật tốt gắn với xây dựng hai thành phố trực thuộc thì mới có thể khắc phục được tình trạng đô thị nén. Tới đây, Hà Nội sẽ tập trung chuẩn bị các dự án đường sắt đô thị, bây giờ nếu không chuẩn bị thủ tục thì đến năm 2026 chúng ta không có hồ sơ để quyết định được.

Trước mắt, năm 2024, thành phố đưa vào vận hành đoạn đường sắt trên cao từ Nhổn về đến Kim Mã. Đoạn ngầm từ Kim Mã về Ga Hà Nội đã được tháo gỡ vướng mắc, tới đây sẽ tập trung triển khai. Thứ hai là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông sẽ được đầu tư để nối tiếp lên đến Xuân Mai. Tuyến đường sắt thứ ba mà thành phố sẽ tập trung chỉ đạo triển khai sớm, mà nếu làm được sẽ tạo động lực thúc đẩy phía tây thành phố, đó là tuyến Văn Cao-Hòa Lạc. Ngoài ra còn một tuyến nữa cũng rất quan trọng, là tuyến từ sân bay Nội Bài đi về trung tâm thành phố cũng sẽ được ưu tiên triển khai sớm.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết quan điểm chỉ đạo của Thành ủy đối với nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong năm mới?

Đồng chí Đinh Tiến Dũng: Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp phải tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc gắn với thực hiện tốt chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; tăng cường thực hành tinh thần cán bộ "7 dám" mà đồng chí Tổng Bí thư và Trung ương đã chỉ đạo, đó là: Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.

Toàn hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ chính trị, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội năm 2024, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của thành phố trong năm mới, như: chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được Quốc hội (khóa XV) thông qua, chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024); từng bước hoàn thành các mục tiêu, tầm nhìn theo định hướng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, từ đó tạo tiền đề vững chắc cho năm 2025 thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2020-2025 của thành phố.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí.