Hiến đất mở đường, thành công điển hình từ công tác dân vận

Trước năm 2000, Thành phố Hồ Chí Minh tồn tại nhiều con đường, hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo, không đạt quy chuẩn về giao thông, mỹ quan đô thị và an toàn phòng cháy, chữa cháy… Trong khi đó, thành phố với tốc độ tăng nhanh về quy mô dân số, phát triển kinh tế cao, mức sống người dân ngày càng được nâng lên, kéo theo nhu cầu về nhà ở, chất lượng cuộc sống và việc cải thiện tình trạng giao thông, phòng cháy, chữa cháy…
0:00 / 0:00
0:00

Quyết tâm đột phá

Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố đề ra chủ trương vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm và phát động thực hiện rộng rãi theo phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai đến các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp để cụ thể hóa thành những nhiệm vụ cụ thể trong nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện hằng năm của từng địa phương.

Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố triển khai đến các cấp chính quyền tập trung thực hiện chủ trương xã hội hóa giao thông, vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường, hẻm gắn với việc phát huy dân chủ ở cơ sở, huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp, sửa chữa đường giao thông.

Các phòng, ban chuyên môn từ thành phố đến quận, huyện đều xây dựng kế hoạch thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu trên lĩnh vực phát triển hạ tầng, kỹ thuật đô thị, phát triển nhà và vệ sinh môi trường, mở rộng hẻm, đường, bê-tông hóa các tuyến hẻm, góp phần chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới; định kỳ hằng năm, hướng dẫn ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn tiến hành rà soát tổng thể các tuyến hẻm, đề xuất lộ trình cụ thể để đầu tư, thực hiện chỉnh trang, mở rộng từng tuyến hẻm; tập trung nghiên cứu một số tiêu chí như chiều rộng hẻm, hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống thoát nước, cây xanh… phù hợp với thực tế và quy hoạch từng địa phương; giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương trong công tác vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm, đường, xây dựng nông thôn mới.

Ở cấp trên cơ sở, các quận, huyện ủy và thành phố Thủ Ðức căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, hướng dẫn của cấp trên, xây dựng và ban hành nghị quyết, văn bản lãnh đạo hệ thống chính trị xác định công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân là khâu then chốt gắn chặt chẽ với phong trào thi đua "Dân vận khéo"; theo đó, thúc đẩy phong trào vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm được thực hiện rộng khắp, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như tuyên truyền miệng, hệ thống mạng xã hội, truyền thanh, băng-rôn, khẩu hiệu, đồng thời phân công đảng viên trực tiếp làm công tác vận động quần chúng, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên.

Kết quả đáng tự hào

Từng cơ quan, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ khi thực hiện chủ trương vận động nhân dân hiến đất, mở rộng hẻm quan tâm bảo đảm thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức lấy ý kiến, tạo điều kiện cho người dân được bàn bạc, tự đề xuất và quyết định mức kinh phí đóng góp thực hiện sửa chữa, nâng cấp các tuyến hẻm, đường, đặt cống thoát nước, bê-tông hóa các tuyến đường, hẻm có lộ giới dưới 8m theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", đồng thời vận động, thuyết phục các hộ dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng hoàn thành các dự án trọng điểm; thực hiện cập nhật, điều chỉnh biến động nhà, đất không thu phí; hỗ trợ người dân di dời đồng hồ điện nước, hỗ trợ tháo dỡ, thu dọn xà bần… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Song song với đó Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp tăng cường nắm tình hình nhân dân, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đi sâu đến từng nhóm, hộ dân để tuyên truyền, vận động, tạo nên sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, đồng thời tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động Ban công tác Mặt trận khu phố, ấp, Ban giám sát đầu tư cộng đồng; phối hợp các đơn vị nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đề xuất cấp ủy, kiến nghị chính quyền các cấp giải quyết những vấn đề bất cập, phát sinh bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân phù hợp quy định pháp luật.

Thống kê của Ban Dân vận Thành ủy cho thấy, tính từ năm 2000 đến nay, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, cấp cơ sở đã ban hành khoảng hơn 384 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, mở rộng hẻm, đường, xây dựng nông thôn mới. Kết quả: Có 168.139 hộ dân đã tham gia hiến 5.377.057m2 đất, ước tính tương ứng số tiền 10.050.145.642.555 đồng, phục vụ cho 5.230 công trình. Ngoài việc hiến đất để thực hiện các công trình nêu trên, người dân còn trực tiếp đóng góp kinh phí để thực hiện mở đường, mở hẻm và các công trình phục vụ công cộng với số tiền 458.194.973.833 đồng, góp phần thực hiện hiệu quả công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng khu phố văn minh sạch đẹp, cải thiện môi trường sống của từng địa phương trên địa bàn thành phố.

Qua 20 năm thực hiện phong trào, với những kết quả đạt được đã khẳng định phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm" là một trong những giải pháp tối ưu, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương chỉnh trang đô thị, xây dựng khu phố văn minh sạch đẹp, cải thiện môi trường sống của người dân trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp. Người dân thấy được mình vừa là chủ thể thực hiện, vừa là người thụ hưởng những thành quả do phong trào mang lại, từ đó đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ hàng rào, di dời chậu cây trước cửa nhà, sắp xếp gọn các sạp hàng buôn bán… tạo sự thông thoáng, sạch sẽ cho tuyến hẻm, đồng hành cùng với chính quyền địa phương thực hiện chỉnh trang đô thị.