Chiều 10/10, chúng tôi chứng kiến hàng trăm học sinh, phụ huynh và giáo viên hai trường chen chúc đi qua cây cầu tạm đó. Đường đất bụi mù mịt; lối vào cầu vốn đã nhỏ hẹp lại càng hẹp hơn khi học sinh tan trường tỏa về như đàn ong vỡ tổ.
Dừng lại bên này cầu (giáp quốc lộ 12), hỏi chuyện một người dân đang chờ nhường lối qua cầu cho học sinh, chúng tôi được biết anh là công nhân của đội cao-su Mường Pồn 1. Vườn cây cao-su của đội anh ở bên kia cầu, mỗi ngày anh đều đi qua cầu 4-5 lượt để cạo mủ, thu mủ, vận chuyển mủ về đội tập kết. Thường xuyên đi qua cầu cho nên anh cũng rất lo lắng vì chỉ mưa thôi thì hiểm nguy lắm.
Cầu tạm, nhà cũng ở tạm trên nền đất bùn, lũ quét nên cuộc sống của hàng trăm gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Mường Pồn hiện còn rất nhiều khó khăn... |
Thông tin về số người thường xuyên lưu thông qua cầu, ông Quàng Văn Tiến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, cho biết: Cầu tạm qua suối Nậm Pồn mới được làm, nối từ quốc lộ 12 sang điểm dân cư bản Lĩnh. Hiện cầu tạm là lối đi duy nhất của 125 hộ dân bản Lĩnh và các hộ dân khác trong khu vực lân cận; đặc biệt, qua lại hằng ngày trên cầu tạm còn có gần nghìn học sinh, giáo viên thuộc hai trường Mầm non, trung học cơ sở Mường Pồn.
Đường và cầu tạm cũng là đường duy nhất vào khu vực khai thác mủ cao-su của Công ty Cổ phần cao su Điện Biên, với diện tích khoảng 200ha. Với lượng người đi lại qua cầu tạm lớn thì tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Hằng ngày nắng nóng bụi mù, đường vào cầu đã nguy hiểm, song khi mưa xuống càng nguy hiểm hơn vì đường trơn trượt, nguy cơ cầu trôi, lở hai đầu cầu rất thường trực.
“Lo lắng nguy hiểm an toàn tính mạng người dân, học sinh, giáo viên, xã đã đề nghị huyện sớm làm cây cầu kiên cố, bảo đảm an toàn đi lại cho bà con” - ông Quàng Văn Tiến cho biết thêm.
Thừa nhận nguy hiểm, khó khăn của bà con nhân dân và học sinh, công nhân xã Mường Pồn khi qua cầu tạm, ông Chu Đình Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình huyện Điện Biên, cho biết: Lũ quét sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra đêm 24 rạng sáng ngày 25/7 đã cuốn ngầm tràn qua suối Nậm Pồn khiến đường vào bản Lĩnh bị cắt đứt hoàn toàn, hơn một trăm hộ dân tộc Khơ Mú, Thái bên bờ hữu bị cô lập.
Việc tiếp tế lương thực, thực phẩm và tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục của nhân dân khu vực hết sức khó khăn. Để khắc phục khó khăn trước mắt, trong khả năng nguồn lực của huyện, Điện Biên đã khẩn trương làm cầu tạm với tổng kinh phí 450 triệu đồng để phục vụ đi lại, học tập cho nhân dân. Tuy nhiên, do địa chất khu vực bị tác động mạnh, đất đá rời rạc khiến cầu tạm tiềm ẩn nguy hiểm.
Để bảo đảm an toàn khi lưu thông qua cầu, Ban Quản lý dự án đã thông tin đến xã Mường Pồn thường xuyên khuyến cáo nhân dân và học sinh, giáo viên tránh đông người đi lại cùng thời điểm; nếu khi trời mưa thì tuyệt đối không lưu thông qua cầu.
Ông Chu Đình Hùng thông tin: Khuyến cáo nhân dân tránh đi lại đông người cùng thời điểm hay khi mưa thì dừng lưu thông chỉ là giải pháp tạm thời, còn lâu dài thì phải làm một cây cầu kiên cố mới an toàn. Do vậy Ban đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện trình cấp có thẩm quyền đầu tư xây dựng kiên cố cầu dầm bê-tông cốt thép dự ứng lực bản Lĩnh vượt suối Nậm Pồn.
Khẳng định “việc xây dựng cầu qua suối Nậm Pồn thay cầu tạm là hết sức cần thiết và cấp bách”, cán bộ và nhân dân xã Mường Pồn cũng đồng thời mong muốn huyện, tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng tuyến kè để chỉnh trị dòng chảy, bảo vệ hai khu dân cư hiện hữu để mở rộng quỹ đất giúp nhân dân vùng lũ Mường Pồn yên tâm ổn định cuộc sống.