Hiểm họa từ các cơ sở thẩm mỹ không phép

NDO - Thời gian gần đây, nhu cầu làm đẹp của nhiều người tăng cao. Tuy nhiên, tại các địa phương, các cơ sở thẩm mỹ “chui” vẫn tiếp tục tồn tại gây nhiều hậu quả khôn lường cho người dân. Các cơ quan chức năng cần có giải pháp quyết liệt hơn để bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động tại Viện thẩm mỹ 108 Hà Nội-Cơ sở Gia Lai (Số 34 Nguyễn Tất Thành, thành phố Pleiku Gia Lai). (Ảnh : Như Nguyệt)
Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động tại Viện thẩm mỹ 108 Hà Nội-Cơ sở Gia Lai (Số 34 Nguyễn Tất Thành, thành phố Pleiku Gia Lai). (Ảnh : Như Nguyệt)

Nhiều năm qua đã có rất nhiều lời cảnh báo về hệ lụy khi sử dụng dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ trái phép. Nhất là khi xuất hiện ngày càng nhiều trung tâm thẩm mỹ “chui”, không có giấy phép kinh doanh, một số bác sĩ hành nghề không có chứng chỉ hoặc “tay ngang” chuyển sang cầm dao kéo. Liên tiếp những trường hợp gặp biến chứng sau thẩm mỹ là hồi chuông cảnh tỉnh người dân cần cẩn trọng trước khi làm đẹp.

Liên tiếp phát hiện vi phạm

Vừa qua, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận được báo cáo nhanh từ Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh (Quận 10) về 1 trường hợp tử vong liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ trái phép. Người bệnh là 1 phụ nữ sinh năm 1996, trú tại Cà Mau. Sau khi tiêm dung dịch nâng ngực, người bệnh rơi vào tình trạng tím tái, mạch, huyết áp bằng 0 và tử vong sau đó. Nạn nhân thực hiện thẩm mỹ nâng ngực tại khách sạn DoNa (783 Lê Hồng Phong, phường 12, Quận 10).

Vụ việc điển hình nhất là trường hợp vi phạm mới đây của cơ sở Thẩm mỹ viện Kangzin (Viện Thẩm mỹ 175 Sài Gòn) ở số 368 đường Hùng Vương. Khi Đội Cảnh sát Kinh tế và Môi trường, Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đến kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, chủ cơ sở Thẩm mỹ viện Kangzin đã không xuất trình được các loại giấy tờ pháp lý bảo đảm đủ điều kiện hoạt động của cơ sở thẩm mỹ.

Tại thời điểm kiểm tra, Đội Cảnh sát Kinh tế và Môi trường phát hiện nhân viên cơ sở này là bà T. đang thực hiện cung cấp dịch vụ phẫu thuật can thiệp làm căng da mặt cho khách hàng. Qua làm việc, bà T. không xuất trình được bất cứ chứng chỉ hành nghề và cho biết bà chỉ là nhân viên lao công dọn dẹp tại cơ sở.

Trước đó, Tòa án quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt bị cáo Phan Đức Hồng (61 tuổi, ngụ quận Bình Tân) 3 năm 6 tháng tù về tội vi phạm quy định khám, chữa bệnh. Cụ thể, do có hẹn trước nên chị N.T.L.T đến nhà ông Phan Đức Hồng để được thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ vùng ngực. Trong quá trình phẫu thuật chị T. tử vong. Tại cơ quan điều tra, ông Phan Đức Hồng khai, có giấy chứng nhận khám, phẫu thuật thẩm mỹ nhưng không có giấy phép hoạt động tại nhà riêng.

Nhiều cơ sở hoạt động chui, núp bóng...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực tế, không phải tất cả các cơ sở đều có đầy đủ điều kiện kinh doanh. Có nhiều cơ sở hoạt động chui, “núp bóng” hiệu uốn tóc, gội đầu nhưng vẫn lấn “sân” sang phẫu thuật thẩm mỹ như: Phun xăm mắt, lông mày, phun môi, tẩy nốt ruồi, thậm chí là tiêm filler (chất làm đầy), nhấn mí, cắt mí…

Không những thế, lợi dụng tâm lý thích rẻ của khách hàng, không ít cơ sở thẩm mỹ, spa, nha khoa đã tung ra các chiêu quảng cáo với các gói dịch vụ giá rẻ đến khó tin, mặc dù cơ sở không có đủ điều kiện và được cấp phép để thực hiện các dịch vụ đó. Có cơ sở nhân viên không có văn bằng chuyên môn về y tế, không được đào tạo, hoặc chỉ được đào tạo qua các khóa ngắn hạn để làm đẹp cho khách, khó lường trước được những nguy cơ, tai biến có thể xảy ra.

Các cơ sở hoạt động trái phép này không có bác sĩ chuyên môn, không bằng cấp, không hiểu biết về các kiến thức liên quan đến y tế; thường sử dụng sản phẩm trôi nổi trên thị trường, rẻ tiền để thu lợi nhuận cao; không có quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn và quy trình xử lý khi có sự cố, tai biến xảy ra. Do đó, khi gặp sự cố hay tai biến, nhân viên ở đây không biết cách xử trí người bệnh, sau đó phải tìm đến các bệnh viện để điều trị.

Hầu hết các vụ được phát hiện là do đơn thư phản ánh của nạn nhân hoặc khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Công tác quản lý địa bàn không nắm được những hoạt động sai phép dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Việc xử lý chưa nghiêm, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, dẫn tới dịch vụ làm đẹp “chui” nhờn luật, bất chấp hậu quả, bất chấp tính mạng của khách hàng để trục lợi, thậm chí lừa đảo.

Theo Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, mỗi năm nước ta có khoảng 250 nghìn người phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có khoảng 25 nghìn đến 35 nghìn ca biến chứng thẩm mỹ, chiếm tỷ lệ 14%. Nhiều người sau khi đi thẩm mỹ tại các cơ sở kém chất lượng thường gặp các biến chứng như mất máu, nhiễm trùng, sưng tấy,... nghiêm trọng hơn là tổn thương các cơ quan thần kinh, nội tạng, ảnh hưởng đến tính mạng.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái, Lê Hồng Vân cho biết: Trong thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục phối hợp với các các cơ quan chức năng tăng cường hoạt động quản lý nhà nước, thanh kiểm tra đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ và thực hiện phân cấp địa phương quản lý đối với hình thức tổ chức này.

Đồng thời, thường xuyên cập nhật, đăng tải thông tin những cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ được Sở Y tế cấp phép trên trang thông tin điện tử. Sở Y tế đề nghị các cơ quan, địa phương và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác truyền thông để các cơ sở thẩm mỹ tuân thủ theo các quy định pháp luật. Đồng thời, đề nghị người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn sử dụng dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở được Sở Y tế và Bộ Y tế cấp phép; đặc biệt đối với các thủ thuật, kỹ thuật thẩm mỹ có xâm lấn, người dân cần có sự tư vấn và được thực hiện từ bác sĩ chuyên khoa phù hợp.

Cơ sở thẩm mỹ viện trái phép có thể bị phạt tới 50 triệu đồng

Theo luật sư Cấn Cao Quyền, Trưởng Văn phòng luật sư Phụng Hiến (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội): Theo khoản 6, Điều 39, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động; hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Cơ sở thẩm mỹ viện hoạt động trái phép có thể bị phạt hành chính lên tới 50 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thể bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng theo khoản 7, Điều 39, Nghị định số 117.

Trong khi đó, bác sĩ CKII Trần Ngọc Hương (Giám đốc Bệnh viện đa khoa thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh) nhận định: Hiện nay, nhu cầu làm đẹp của phụ nữ rất cao. Việc sử dụng dịch vụ của các thẩm mỹ viện ngày càng nhiều. Với mức lợi nhuận khổng lồ, không ít các cơ sở thẩm mỹ viện trái phép đã mọc lên nhằm thu lợi từ người dùng; gây ra không ít hậu quả đáng tiếc.

"Trước khi quyết định thực hiện phẫu thuật để làm đẹp, mọi người nên tìm đến những bác sĩ có nhiều kinh nghiệm và đã được cấp chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ để tham khảo, tư vấn kỹ, đến những cơ sở, khoa, bệnh viện thẩm mỹ đã được cấp phép, có uy tín để thực hiện. Tuyệt đối không nên phó thác số phận và nhan sắc của mình cho các cơ sở chui, không có giấy phép; các nhân viên spa không có bằng cấp chuyên ngành", chuyên gia nhận định.