Bệnh nhân bị tai biến thẩm mỹ nặng đã được xuất viện

NDO -

Ngày 6/5, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân T.T.P (39 tuổi, ngụ quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 24/4 do bị tai biến thẩm mỹ, phải can thiệp bằng kỹ thuật ECMO (phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) đã khỏe mạnh và được xuất viện ngày hôm qua. 

Bệnh nhân P đã được xuất viện vào ngày 5/5. (Ảnh Bệnh viện cung cấp)
Bệnh nhân P đã được xuất viện vào ngày 5/5. (Ảnh Bệnh viện cung cấp)

Theo thông tin từ Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy, trước đó, vào ngày 23/4, chị T.T.P đã đến một cơ sở thẩm mỹ để tiêm 3 lọ filler (chất làm đầy) Alisa (50ml/lọ) vào vùng ngực và mặt. 

Sau khi tiêm, chị P cảm thấy mệt. Ngày hôm sau chị cảm thấy mệt và khó thở hơn nên đã đến Bệnh viện quận Bình Tân để theo dõi. Tại đây, bệnh nhân bị tụt huyết áp và đã được chuyển viện khẩn qua Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu lúc 21 giờ ngày 24/4.

Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Quý Đức, Phó khoa Nội tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân T.T.P được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch: khó thở, oxy máu thấp, huyết áp tụt. Sau cuộc hội chẩn khẩn cấp, các y, bác sĩ đã lập ê-kíp để can thiệp bằng kỹ thuật ECMO ngay trong đêm cho chị P vì bệnh nhân đã vào bệnh cảnh choáng tim: tim hầu như không co bóp. 

“Bệnh nhân P được chúng tôi chẩn đoán là choáng tim, tổn thương cơ tim sau khi tiêm filler và không loại trừ khả năng là tổn thương này được gây ra do tiêm filler Alisa có lidocaine. Bệnh nhân còn bị tổn thương gan và tổn thương thận cấp. Ngoài việc đặt ECMO cho bệnh nhân, chúng tôi còn cho chạy thận nhân tạo hỗ trợ. Đến ngày thứ 8, bệnh nhân đã ổn định, được rút ECMO, ngưng chạy thận, chức năng gan, thận và tim gần như hồi phục hoàn toàn. Và ngày 5/5, bệnh nhân P đã hồi phục và được xuất viện”, Bác sĩ Đặng Quý Đức chia sẻ. 

Theo Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Hữu Chinh (khoa Nội tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy), đây là một trường hợp tai biến thẩm mỹ rất nặng. Bác sĩ Trần Hữu Chinh cho biết, trước đây, các biến chứng về thẩm mỹ cũng đã xảy ra rất nhiều và hầu hết trường hợp biến chứng nặng đều tử vong. Có thể nói, đây là một trong những trường hợp hiếm hoi được cứu sống sau khi gặp biến chứng nặng.