Hết lòng vì nước, vì dân

Lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc ta khắc ghi tên tuổi của nhiều chiến sĩ cộng sản, những người lãnh đạo, những nhà quân sự tài năng, đức độ, bản lĩnh. Một trong những nhà quân sự tài năng, đức độ, bản lĩnh đó là Trung tướng Nguyễn Bình.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo “Trung tướng Nguyễn Bình - Nhà quân sự tài năng, đức độ” được Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 7 vừa qua nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Trung tướng Nguyễn Bình (30/7/1908-30/7/2023). Một lần nữa, chân dung về người Trung tướng đầy tài năng quê ở Hưng Yên nhưng có nhiều đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền nam được các nhà khoa học, chuyên gia phân tích, đánh giá một cách cặn kẽ, sâu sắc.

Nguyễn Bình là người cộng sản chân chính ngay từ khi chưa là đảng viên, một tài năng quân sự bẩm sinh, người chỉ huy có tư chất đặc biệt. Ông luôn đi theo con đường lý tưởng cách mạng chân chính, không những nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao mà còn chủ động vận động quần chúng nhân dân theo Việt Minh. Từ năm 1944, khi về hoạt động tại Hà Nội, Hải Phòng, ông xuống cả Hưng Yên, Đông Triều, Quảng Yên, Hòn Gai… để tìm mua vũ khí, xây dựng cơ sở Việt Minh. Ông còn vận động tướng tá, binh sĩ trong quân đội Nhật chuyển hướng theo cách mạng.

Với tư duy chiến lược, tầm nhìn xa, trông rộng của một chiến sĩ cách mạng trưởng thành từ thực tiễn đấu tranh, từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Trung tướng Nguyễn Bình nhanh chóng chuẩn bị vũ trang, xây dựng căn cứ du kích Đông Triều. Cùng với Chí Linh, Mạo Khê, Tràng Bạch, “Đệ tứ chiến khu Đông Triều” (hay còn gọi là Chiến khu Trần Hưng Đạo) chính thức ra đời. Đây là căn cứ địa có ý nghĩa và tầm quan trọng về nhiều mặt trong giai đoạn tiền khởi nghĩa và trong Cách mạng Tháng Tám ở vùng duyên hải Đông Bắc Tổ quốc.

Tháng 10 năm 1945, trước âm mưu và hành động gây hấn của thực dân Pháp hòng quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, tình hình cực kỳ khó khăn trong buổi đầu của cuộc kháng chiến ở miền nam, Trung tướng Nguyễn Bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy cử vào chỉ huy cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.

Nhận thấy các lực lượng vũ trang Nam Bộ có nhiều tổ chức phức tạp, không có sự chỉ huy thống nhất, ảnh hưởng đến sự nghiệp kháng chiến, ngày 20 /11/1945, ông lấy tư cách là phái viên của Chính phủ Trung ương đã mời tất cả chỉ huy các lực lượng vũ trang ở Nam Bộ về họp tại An Phú Xã, thống nhất đặt tên các đơn vị thành chi đội, ông là Tư lệnh Quân giải phóng Nam Bộ.

Đặc biệt, Trung tướng Nguyễn Bình là người sáng tạo những cách đánh độc đáo, với lực lượng độc đáo, vị tướng với tư duy quân sự mang đậm chất của chiến tranh nhân dân. Khi vào Nam Bộ, ở cương vị mới, với tư cách là Phái viên quân sự của Trung ương, rồi sau đó là Tư lệnh Quân giải phóng Nam Bộ, Trung tướng Nguyễn Bình đã vận dụng sáng tạo quan điểm chiến tranh nhân dân trong giải quyết những vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với cuộc kháng chiến ở Nam Bộ như: thống nhất các lực lượng vũ trang, tăng cường quan hệ quân với dân trong xây dựng, chiến đấu; tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang tập trung đồng thời tổ chức, xây dựng các Ban công tác thành - tiền thân của lực lượng biệt động thành, tạo sự gắn kết giữa hai lực lượng này; xây dựng các chiến khu, các căn cứ địa, xây dựng căn cứ lòng dân ở Nam Bộ; chú trọng công tác đào tạo cán bộ, thành lập Trường Quân chính Khu 7… Những quyết định đó không chỉ mang tầm chiến lược mà còn có ý nghĩa và giá trị thực tiễn sâu sắc đối với tiến trình phát triển cách mạng ở Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Việt Nam cho biết, Nguyễn Bình là một tài năng quân sự thiên bẩm, tuy không có điều kiện học hành bài bản, chưa từng học qua một trường quân sự nào, nhưng bằng tư duy, bằng thực tiễn gắn bó với phong trào cách mạng, gắn bó với dân, ông luôn nhìn nhận đúng về sức mạnh của quần chúng nhân dân, của lực lượng vũ trang cách mạng.

Trung tướng Nguyễn Bình là vị tướng luôn gần dân, sáng tạo trong công tác vận động quần chúng làm cách mạng, là người có uy tín trong mọi tầng lớp nhân dân. Ông không chỉ có uy tín với công nhân, nông dân, mà giới trí thức cũng rất mến mộ và sẵn sàng theo ông ủng hộ, tham gia kháng chiến. Trung tướng Nguyễn Bình vừa chỉ đạo công tác quân sự, chấn chỉnh và xây dựng lực lượng vũ trang, vừa chỉ đạo vừa trực tiếp tham gia công tác vận động quần chúng, nhất là giới trí thức. Mặc dù địch vây ráp, ông vẫn thường xuyên vào thành phố, trực tiếp gặp gỡ các trí thức để vận động họ tham gia kháng chiến. Ông cho rằng nếu ngồi ở chiến khu mà mời họ ra thì sẽ ít hiệu quả, biện pháp tốt nhất là vào Sài Gòn, trực tiếp gặp gỡ họ thì việc vận động sẽ thuận lợi hơn.

Theo đồng chí Lê Thành Công, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh, trong sáu năm đảm nhận trọng trách chỉ huy công cuộc kháng chiến ở Nam Bộ (từ tháng 10/1945-9/1951), Trung tướng Nguyễn Bình đã “tận lực, tận tâm”, “vì dân, vì nước” mà “tận diệt quân thù”, đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh tập hợp, tổ chức, thống lĩnh các đơn vị vũ trang Nam Bộ. Trung tướng Nguyễn Bình là người đặt nền tạo các binh chủng tinh nhuệ, qua đó xây dựng lực lượng vũ trang miền nam ngày càng lớn mạnh, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, chiến đấu ngày càng hiệu quả, khiến kẻ địch phải lo sợ.