Hệ quả chậm giải phóng mặt bằng mỏ than Khánh Hòa

NDO -

Việc chậm giải phóng mặt bằng mở rộng khai trường, bãi đổ thải mỏ than Khánh Hòa (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc- TKV) làm cho bãi thải tiến sát khu dân cư, gây nguy cơ sạt lở, ngập úng vào mùa mưa này làm cho người dân bất an. Đồng thời, do chậm giải phóng mặt bằng làm cho mỏ than Khánh Hòa có nguy cơ ngừng khai thác từ năm 2023, dẫn đến thiếu than phục vụ sản xuất điện, xi-măng trên địa bàn.  

Không giải phóng được mặt bằng, mỏ than Khánh Hòa có nguy cơ dừng khai thác từ năm 2023.
Không giải phóng được mặt bằng, mỏ than Khánh Hòa có nguy cơ dừng khai thác từ năm 2023.

Người dân bị ngập úng

Là doanh nghiệp nhà nước, khai trường khai thác than và bãi đổ thải mỏ Khánh Hòa trên địa bàn các xã Sơn Cẩm, Phúc Hà (thành phố Thái Nguyên). Để duy trì sản lượng khai thác khoảng 450 nghìn tấn than phục vụ cho các nhà máy sản xuất điện, xi-măng trên địa bàn, mỏ than Khánh Hòa được Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam phê duyệt, tỉnh Thái Nguyên quy hoạch, nhưng việc giải phóng mặt bằng rất chậm trễ làm cho đời sống nhân dân trong khu vực gặp rất nhiều khó khăn.

Theo quy hoạch, nhiều khu vực thuộc xã Phúc Hà được các cấp có thẩm quyền phê duyệt mở rộng khai trường, bãi đổ thải phục vụ khai thác mỏ than Khánh Hòa. Xóm Nam Tiền, xã Phúc Hà hiện nay chỉ còn cách bãi thải chỉ vài chục mét và trong diện di dời để mở rộng bãi thải.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, thành phố Thái Nguyên chưa bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa xây dựng được khu tái định cư, người dân chưa được di chuyển, sống trong những căn nhà cũ tạm bợ, hạ tầng trong khu vực không được cải tạo, nâng cấp nên đời sống khó khăn.

Mặt khác, suối Nam Tiền chảy qua xóm Nam Tiền, xã Phúc Hà thời gian vừa qua đã thay đổi dòng chảy, bị bồi lấp, hạ lưu cao hơn thượng lưu nên mỗi khi có mưa lớn là ngập úng hoa mầu, nhất là hàng chục hộ dân bị nước lũ ngập sâu, thiệt hại tài sản, tính mạng bị đe dọa. Nhiều năm qua, tình trạng này lặp đi lặp lại khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, sống thấp thỏm lo âu.

Mặc dù mùa mưa năm nay mới bắt đầu, một vài trận mưa tuy chưa lớn, nhưng nước suối Nam Tiền đã dâng lên, một số gia đình bị nước tràn vào nhà. Nếu mưa lớn, lũ dâng cao, nền nhà nhiều hộ sẽ bị ngập một, hai mét, bị cô lập, ra ngoài chỉ còn cách leo ngược núi.

Gia đình ông Hoàng Vĩnh Vệ, ở xóm Nam Tiền nhiều lần bị nước lũ ngập sâu, xe máy, nhiều đồ dùng bị chìm trong nước, hư hỏng. “Khu vực chúng tôi đang sống thuộc quy hoạch mở rộng mỏ than Khánh Hòa nên không được xây mới, sửa chữa nhà ở, sống tạm bợ để chờ chuyển ra khu tái định cư do chính quyền địa phương xây dựng. Nhưng chờ mấy năm qua chưa được chuyển, nên thường xuyên bị lũ lụt, ngập úng, đời sống chật vật, khó khăn”, ông Vệ cho biết thêm.  

Trong mùa mưa lũ, để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, mỏ than Khánh Hòa và chính quyền xã Phúc Hà thường xuyên phối hợp cắt cử lực lượng thường trực để xử lý tình huống, điều máy xúc nạo vét một số khu vực dòng suối bị bồi lấp, hỗ trợ sản lượng hoa màu thiệt hại do ngập úng. Một số khu vực khác tại xã Phúc Hà cũng nằm trong quy hoạch mở rộng khai trường, bãi thải, nhưng thời gian qua chưa có khu tái định cư, người dân luôn sống trong cảnh tạm bợ, thấp thỏm, lo âu.

Nguy cơ thiếu than sản xuất điện, xi-măng

Mỗi năm mỏ than Khánh Hòa có nhiện vụ sản xuất khoảng 450 nghìn tấn than cung cấp cho các nhà máy sản xuất điện, xi-măng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, các nhà máy này đều trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc. Mặt khác, mỗi năm than Khánh Hòa nộp ngân sách tỉnh Thái Nguyên khoảng 240 tỷ đồng.

Theo tính toán, nếu không giải phóng được mặt bằng để mở rộng khai trường, mở rộng bãi thải, từ năm 2023, than Khánh Hòa có nguy cơ dừng sản xuất, khi đó sẽ gây ra hệ luỵ rất lớn, ảnh hưởng không chỉ đối với 640 cán bộ, công nhân than Khánh Hòa không có việc làm, đời sống khó khăn, mà các nhà máy sản xuất điện, xi-măng trên địa bàn sẽ thiếu nhiên liệu trầm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội.

Theo quy định, chính quyền tỉnh và thành phố Thái Nguyên giải phóng mặt bằng, mỏ than Khánh Hòa thuê đất để mở rộng khai trường, mở rộng bãi thải. Để giải phóng măt bằng, cần kinh phí bồi thường tài sản, đất đai cho người dân, xây dựng khu tái định cư, nhưng nhiều năm qua ngân sách thành phố Thái Nguyên chưa bố trí được để giải quyết các công việc này.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình, cho biết: “Thực hiện quy trình đầu tư, thời gian vừa qua, chúng tôi đã báo cáo cấp có thẩm quyền, thực hiện các quy định về đất đai, quy hoạch và ngày 8/7/2021 Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 6783/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Khu tái định cư Tân Long với diện tích hơn 3 ha để di chuyển hơn 100 hộ dân đến định cư, ổn định cuộc sống lâu dài, đồng thời phục vụ giải phóng mặt bằng mở rộng khai trường để duy trì sản xuất của mỏ than Khánh Hòa. Hiện nay, chúng tôi đang nỗ lực thu xếp vốn để thực hiện dự án này”.

Ông Vũ Thành Hưng, Phó Giám đốc mỏ than Khánh Hòa cho hay: Công ty chúng tôi có nguồn lực, nhưng không có chính sách cho ngân sách thành phố Thái Nguyên vay. Trong khi đó, thành phố Thái Nguyên chưa bố trí được ngân sách để bồi thường giải phóng mặt bằng đối với 126 hộ, chưa xây dựng được khu tái định cư Tân Long nên quy hoạch mở rộng khai trường, mở rộng bãi thải “treo” hơn 3 năm qua dẫn đến đời sống hàng trăm hộ dân khó khăn, còn chúng tôi thì có nguy cơ dừng khai thác từ năm 2023 dẫn đến các nhà máy nhiệt điện, xi-măng trên địa bàn thiếu nhiên liệu.