15 giờ, đường dây nóng (hotline) của Quận đoàn Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) nhận cuộc gọi khẩn cấp của chị Ngọc (SĐT: 03937…) báo có người nhà cần nối tiếp sự sống vì nhiều lý do. Ngay lập tức, những người trẻ, tình nguyện viên kết nối điện thoại với phường, rồi khu phố thì được biết, người bệnh đã được trả về nhà trọ, đang cần hỗ trợ oxy để duy trì sự sống. Hai tình nguyện viên lên đường ngay trong đêm, mang theo bình oxy cho người bệnh.
Theo Quận đoàn Tân Phú, nguồn oxy được Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hồ Chí Minh phân bổ và việc đổi trả bình oxy cũng diễn ra như vậy. Khi có yêu cầu, Đoàn phường là nơi xác minh và đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên trong quận sẽ làm người vận chuyển, không để sự sống của người bệnh bị “đứt gãy”.
Trước đó, hotline tiếp nhận lời kêu cứu khẩn cấp của bà Thảo (SĐT: 09079…) báo “có trường hợp dương tính, hiện khó thở, cần hỗ trợ oxy để sống”. Khi tiếp cận, được biết người bệnh dương tính với virus SARS-CoV-2 qua test nhanh, tuy nhiên do chưa có kết quả xét nghiệm RT-PCR nên chưa khẳng định là F0. Vì vậy, chưa có bệnh viện nhận, hiện đã chuyển về nhà đang thở oxy để duy trì sự sống chờ kết quả xét nghiệm khẳng định để được nhập viện. Đúng như quy trình lập sẵn, bình oxy được chuyển ngay đến nhà người này…
Đó là 2 trường hợp mới nhất được hỗ trợ oxy thuộc Chương trình “Trao oxy - nối dài sự sống” do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hồ Chí Minh và anh Hoàng Tuấn Anh cùng thực hiện trong thời điểm rất khó khăn này nhằm cung cấp kịp thời máy oxy, bình oxy hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe cho hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế và nhất là giúp khẩn cấp người bệnh có thêm thời gian để có thể được điều trị Covid-19.
Thời gian đầu, ATM-Oxy sẽ hoạt động từ 8-17 giờ hằng ngày. Trước tiên, triển khai 90 bình oxy loại 8 lít để lập các trạm ở 6 quận đoàn 7, 8, 10, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Mỗi ngày các xe bán tải của đội phản ứng nhanh sẽ đi nạp khí oxy tại các trạm sang chiết, sau đó đem về trạm ở các quận, huyện đoàn. Người bệnh cần đổi bình oxy liên hệ hotline (+84) 796 55 5564…
Anh Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, từ tình hình thực tế triển khai điều trị Covid-19 tại nhiều nơi trên thế giới, khi số ca nhiễm tăng cao, máy thở, oxy càng cần thiết và trở nên khan hiếm, nên việc chuẩn bị máy móc, oxy trong giai đoạn cả nước đang chống dịch lúc này là cấp thiết. Hiện, các F0, F1 đang thực hiện cách ly tại nhà nên không thể đem bình oxy đi đổi. Trong khi đó, số lượng người giao hàng bằng xe công nghệ hạn chế, xe tải của các trung tâm sang chiết oxy đã quá tải, một số nơi đầu cơ đẩy giá lên 4-5 triệu đồng/bình 8 lít, nguồn cung hiếm… Những điều đó khiến việc tìm mua, đổi bình oxy trở nên nan giải. Do vậy, Chương trình “Trao oxy - nối dài sự sống” sẽ tăng cường đội xe đổi - nạp oxy hằng ngày cho các bệnh viện để nâng công suất sử dụng các bình lên 3-4 lần, thay vì chỉ 1 lần mỗi ngày.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, anh Hoàng Tuấn Anh, chính là “cha đẻ” của mô hình "ATM gạo" rất thành công vì sự nhân văn của nó trong lần bùng phát dịch đầu tiên. Anh cho biết, ngày 27/7 vừa qua, khi biết câu chuyện một người cha ra ngoài trong đêm thực hiện giãn cách xã hội để đổi bình oxy cứu con, anh đã thực hiện ngay ý tưởng mang oxy đến tận người bệnh. ATM gạo trước đây có thể giúp 1 gia đình sống vài ngày, nhưng thiếu oxy chỉ vài phút người bệnh sẽ qua đời trong khi họ có thể được điều trị khỏi, nếu có oxy duy trì cho đến khi được thu dung, điều trị. Thay vì chỉ ngồi lo sợ, chúng ta phải làm gì đó, không để sự sống của người bệnh bị “đứt gãy” vì thiếu oxy.
Ngay trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” này, tại TP Hồ Chí Minh, Vietbank và Hoa Lâm Group vừa thành lập Đội phản ứng nhanh phục vụ người bệnh F0. Đội được trang bị 10 xe cứu thương, 100 máy tạo oxy và nhiều trang thiết bị khác. Hotline là 0824 606 606.
Cũng như vậy, với quyết tâm không để sự sống của người bệnh bị “đứt gãy” vì thiếu oxy, thành phố còn có Đội hỗ trợ ca F0 khó thở, ĐT: 0896622566; Team nạp oxy cho các ca hết oxy, ĐT 0988372277; Công ty TNHH Vạn Tấn Phát nạp oxy miễn phí vào bình, ĐT: 0972049349; Đội thiện nguyện Nhất Tâm vận chuyển bình oxy miễn phí, ĐT: 0794686970; Nhóm hỗ trợ oxy lưu động, ĐT: 0983901022…
Với cách thức căn bản hơn, một bác sĩ Bệnh viện Quân dân y Miền Đông chia sẻ: Ngành y tế cần cấp ngay mã số xét nghiệm RT-PCR cho các đơn vị đủ điều kiện và năng lực xét nghiệm thay vì “chỉ được chuyển mẫu đến 1 số bệnh viện được chỉ định” gây ùn ứ, chậm trả lời kết quả khẳng định là F0, cản trở việc tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân kịp thời. Được vậy, chuỗi cung cấp oxy cho F0 chưa được nhập viện, đang điều trị tại nhà sẽ bớt “nóng” hơn”.
Theo TS, BS Đỗ Thị Vân Anh (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), trong tình hình này, cần có chỗ trống tại các bệnh viện tầng 1, tầng 2, tầng 3 để nhận bệnh từ cộng đồng chuyển vào. Tại tất cả bệnh viện cần báo cáo cập nhật hằng ngày và công khai các thông số: Số giường cấp cứu dành cho bệnh không phải Covid-19; số giường cấp cứu dành cho bệnh Covid-19; số giường có oxy còn chưa sử dụng; số máy HFNC chưa sử dụng; dự trữ oxy cao áp.
Các bệnh viện cũng cần 1 trạm trung chuyển (là các điểm thu dung bệnh nhân Covid-19 tại các quận, huyện) và bắt buộc phải có đầy đủ bình oxy. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể tạm chuyển từ các phường, xã lên trạm và cho bệnh nhân thở oxy, tiêm kháng viêm, tiêm kháng đông cấp cứu. Chính quyền cần kêu gọi các nguồn lực y tế trong dân (hưu trí, sinh viên…) giúp khám bệnh từ xa, đánh giá tình hình bệnh nhân F0 tại địa phương để phân loại và sơ cứu kịp thời. Sau đó, tất cả yêu cầu chuyển viện từ địa phương lên các bệnh viện phải được giải quyết.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh (Phòng khám đa khoa Mỹ Quốc) chia sẻ, khi bệnh nhân vừa có biến chứng viêm phổi khó thở thì phải được thăm khám và điều trị thuốc chuyên trị tích cực, như: Trị viêm phổi, kháng sinh, kháng viêm Medrol và đặc biệt cần trợ giúp thở oxy. Thực tế gần đây cho thấy, bệnh trở nặng ở nhà, tử vong tại nhà do cấp cứu không kịp hoặc không có nơi nhận xảy ra rất nhiều.
“Trong khi đó, biểu hiện tỷ lệ giảm oxy máu thầm lặng lại cao, tôi từng thấy thống kê lên tới 20-40% các ca nhiễm giảm oxy máu, nếu không phát hiện kịp thời (bằng đo Sp02) thì trở nặng, tử vong. Chúng ta cần thêm đồng lòng, chia sẻ yêu thương, quyết tâm không để sự sống của người bệnh bị “đứt gãy” chỉ vì thiếu oxy”, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh mong muốn…