Bài học nhãn tiền
Thời gian gần đây, các hành vi vi phạm của Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (gọi tắt là Công ty Liên kết Việt) gây xôn xao dư luận. Để trục lợi, công ty này đã bất chấp mọi thủ đoạn nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của hàng chục nghìn người với tổng số tiền lên tới gần hai nghìn tỷ đồng. Theo quy định của Công ty Liên kết Việt, muốn trở thành nhà phân phối của công ty, người tham gia phải đóng 8,6 triệu đồng để được cấp một mã kinh doanh và được quyền mua mã hàng gồm một máy Ozone và các loại thực phẩm chức năng khác. Với số tiền bỏ ra, sau năm năm, nhà phân phối sẽ được hưởng 449 triệu đồng tiền hoa hồng, lãi, thưởng nhà, ô-tô,... Trên thực tế, công ty này lấy tiền của người nộp trước để trả lãi cho người nộp sau nhằm tạo uy tín và dễ dàng phát triển mạng lưới của mình. Điều đáng chú ý, trong quá trình phát triển hệ thống, các thành viên trong nhóm dùng khá nhiều thủ đoạn đánh lừa người dân, chẳng hạn như mạo danh là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng, lấy danh cơ quan T.Ư tổ chức rầm rộ sự kiện khen thưởng với mục đích tạo uy tín để đánh lừa, lôi kéo mọi người cùng tham gia hệ thống,...
Đề cập tới các hành vi vi phạm của Công ty Liên kết Việt, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, sau khi Công ty Liên kết Việt được cấp lại giấy chứng nhận hoạt động vào ngày 22-12-2014 đến 15-7-2015, tức là sau gần bảy tháng hoạt động, Cục Quản lý cạnh tranh (đơn vị được giao đầu mối quản lý, cấp giấy phép) đã đi kiểm tra và phát hiện công ty này có năm đến sáu điểm, nội dung vi phạm các quy định của pháp luật như không thực hiện các thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; thông báo hoạt động bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về công dụng, chất lượng thật sự của sản phẩm,… Trước các hành vi vi phạm, Công ty Liên kết Việt đã bị xử phạt 570 triệu đồng vì vi phạm hành chính. Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động, công ty này tiếp tục có một số hành vi vi phạm nên Bộ Công thương đã phối hợp Bộ Công an thành lập đoàn kiểm tra. Sau quá trình điều tra, xác minh, Bộ Công an đã ra lệnh bắt tạm giam các đối tượng liên quan.
Khi vụ việc được phát hiện và việc xử lý vi phạm là cần thiết nhằm bảo đảm sự thượng tôn của pháp luật, thế nhưng, đến giờ dư luận xã hội vẫn không khỏi hoài nghi vì sao Bộ Công thương không thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, cảnh giác và phòng tránh. Càng lạ lùng hơn, với những lỗi vi phạm như vậy, vì sao Công ty Liên kết Việt lại có thể tiếp tục hoạt động và vươn “vòi bạch tuộc” tới 27 tỉnh, thành phố để tiếp tục lừa đảo, moi tiền của hàng chục nghìn người dân tham gia. Lý giải về việc này, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những con số nói 450 nghìn người bị lừa hoặc thậm chí cao hơn chưa được kiểm chứng độ xác thực. Muốn biết chính xác, bắt buộc phải đợi số liệu của cơ quan cảnh sát điều tra công bố. Còn hoạt động kinh doanh đa cấp là hoạt động được sự cho phép của pháp luật. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa Bộ Công thương và chính quyền các cấp ở địa phương cần được tăng cường; hiện Cục Quản lý cạnh tranh chỉ có từ 50 đến 60 cán bộ, trong khi ở các địa phương đã có sự phân cấp cùng với đầy đủ lực lượng như Sở Công thương, công an, quản lý thị trường,… để kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện và xử lý các vi phạm.
Chẳng riêng gì vụ việc nêu trên, hiện tại các công ty kinh doanh, bán hàng đa cấp (BHĐC) vẫn đang ngày đêm hoạt động và diễn ra hết sức phức tạp và khó lường. Tại công ty đa cấp V.S (phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình), người tham gia hội thảo được nhân viên ở đây tư vấn, do sử dụng sản phẩm của công ty cho nên mọi bệnh tật đã được đẩy lùi. Sử dụng sản phẩm sẽ giúp cơ thể cường tráng, năng động với cuộc sống,… Tuy nhiên, sau một hồi giới thiệu, toàn bộ người nghe được tư vấn, muốn trở thành thành viên của công ty, bắt buộc phải tham gia các gói sản phẩm có mức giá từ 3,7 đến 15 triệu đồng cùng với 10 loại hoa hồng, giúp người tham gia thu được khoản thu nhập “siêu khủng” lên tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm. Tương tự, tại công ty đa cấp trên phố Ngụy Như Kon Tum (quận Thanh Xuân, Hà Nội) người tham gia được giới thiệu, chỉ cần bỏ ra 12 triệu đồng để trở thành thành viên của công ty. Khi tham gia, khách hàng “không cần làm gì”, mỗi tháng vẫn thu được 720 nghìn đồng tiền lãi, nếu đầu tư càng nhiều, số lãi thu được càng cao,…
Cảnh giác với cách thức kiếm tiền nhanh
Thời gian vừa qua, hoạt động của các công ty BHĐC diễn ra rất sôi động, từ thành thị cho đến nông thôn. Mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở hành lang pháp lý đối với hoạt động này, tuy nhiên vẫn chưa hoàn thiện và còn nhiều kẽ hở. Do đó, một số công ty BHĐC đã lợi dụng, đồng thời đánh trúng lòng tham, sự thiếu hiểu biết của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đề cập vấn đề này, luật sư Lê Hồng Hiển, Trưởng văn phòng Luật sư Nay & Mai cho biết, một trong những kẽ hở của pháp luật về quản lý BHĐC là không quy định cụ thể về giá bán đối với các loại hàng hóa, dẫn đến các công ty BHĐC đưa ra mức giá đối với các mặt hàng rất cao nhưng cơ quan quản lý không thể kiểm tra, xác định được giá trị thật bởi phần lớn đây là hàng “độc quyền” do các công ty đa cấp tự sản xuất hoặc nhập từ những nơi không xác định. Ngoài ra, mặc dù pháp luật hiện hành quy định doanh nghiệp BHĐC không được yêu cầu người muốn tham gia BHĐC đặt cọc tiền, mua một số lượng hàng hóa nhất định hoặc nộp tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp BHĐC đã lách quy định này bằng cách thuyết phục những người tham gia ký giấy tự nguyện mua hàng, trả tiền huấn luyện, tham gia hội thảo, tập huấn để được nhận sản phẩm miễn phí.
Cũng theo luật sư Hiển, chế tài xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHĐC được quy định tại Nghị định số 71/2014/NĐ-CP. Theo đó, mức xử phạt tối đa đối với một trong những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này là 100 triệu đồng. Trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh trở lên thì mức phạt tối đa là 200 triệu đồng. “Mức phạt nêu trên được cho là vẫn chưa đủ sức răn đe đối với những vi phạm trong lĩnh vực này” - Luật sư Hiển nhấn mạnh.
Có thể nói, hoạt động kinh doanh BHĐC là lĩnh vực nhạy cảm, nếu công tác quản lý nhà nước bị buông lỏng, việc thực thi các quy định của pháp luật không nghiêm sẽ dẫn đến những hậu quả rất nặng nề. Do đó, để tránh sập bẫy mô hình BHĐC, người dân cần hết sức cảnh giác trước những thông tin, lời mời kiếm tiền, kiếm việc làm hoặc tham gia bất kỳ công việc gì để giàu nhanh và dễ dàng. Bởi, không có công việc nào nhàn hạ, đơn giản mà lại dễ dàng kiếm được nhiều tiền trong một thời gian ngắn. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tích cực vào cuộc để tuyên truyền rộng rãi, giúp người dân cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo của các công ty BHĐC, đồng thời, tăng cường thanh kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm để ngăn ngừa những hậu quả nặng nề có thể xảy ra. Thông báo công khai tên các cá nhân và công ty vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.
Trước khi có Nghị định 42/2014/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Sở Công thương các tỉnh, thành phố đã cấp hơn 100 giấy phép cho hơn 100 công ty kinh doanh đa cấp. Từ khi được giao quản lý, Bộ Công thương đã sàng lọc lại và cấp phép cho 65 công ty kinh doanh đa cấp hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, có gần 20% là của các công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này.
Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Công thương