Hậu quả gián đoạn chuỗi cung ứng

Tại Hội nghị quốc tế về tương lai châu Á lần thứ 27 ở Tokyo (Nhật Bản), các nhà lãnh đạo tham dự bày tỏ quan ngại về tác động tiêu cực của tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trên thế giới hiện nay; đồng thời nhấn mạnh việc tìm kiếm các phương thức nhằm nối lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy đà phục hồi kinh tế các nước hậu đại dịch Covid-19. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob (I.Y-a-cốp) cảnh báo các vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng do tác động của xung đột quân sự Nga-Ukraine và tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang gây ra các tác động tiêu cực, đồng thời kêu gọi các nước tăng cường hợp tác kinh tế khu vực. 

Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine đang tạo ra áp lực lên nguồn cung thực phẩm toàn cầu, tạo ra mối đe dọa cho các nước đang phát triển. Ông nhấn mạnh mặc dù các tập đoàn lớn và các cường quốc đang lo ngại về nguồn cung vật liệu bán dẫn nhưng đó không phải là quan ngại đối với dân thường vốn đang phải đối mặt với tình trạng chi phí sinh hoạt leo thang và thiếu hụt lương thực, hàng hóa.

Trong khi đó, lệnh phong tỏa để phòng dịch Covid-19 đối với thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) là một đòn giáng mạnh đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã chao đảo do đại dịch và những căng thẳng Nga-Ukraine. Cảng Thượng Hải là cảng container bận rộn nhất thế giới. Theo World Port Source, đây là nơi ra vào của khoảng 2.000 tàu biển mỗi tháng, xử lý lượng hàng hóa nhiều gấp 4 lần khối lượng hàng hóa đi qua cảng Los Angeles (Mỹ). Tuy nhiên cảng Thượng Hải đang bị quá tải và phải đối mặt với lượng tàu và lượng hàng ùn tắc chưa từng có, sẽ gây ra sự chậm trễ trong tiến độ giao hàng suốt cả phần còn lại của năm 2022 và đẩy chi phí lên cao. 

Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Logistics (COEL) của Panama Alberto López Tom nhận định ngành logistics toàn cầu đang trong trạng thái “rất mỏng manh”. Nhà lãnh đạo COEL dự đoán những tác động nghiêm trọng lên chuỗi cung ứng sẽ trở nên rõ ràng ở Trung Mỹ trong vài tuần tới, khi chi phí vận chuyển tăng, dẫn tới giá các sản phẩm cũng tăng theo và các tàu hàng sẽ không còn chỗ trống. Dự báo các loại thành phẩm, đặc biệt là hàng công nghệ, sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì không thể tìm được nguồn thay thế nhanh chóng.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định chuỗi cung ứng sẽ khó có thể trở lại như thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát và thế giới cần chấp nhận trạng thái “bình thường mới” này. Do vậy, chính phủ và doanh nghiệp cần chuẩn bị ứng phó cho tình huống xấu nhất. Theo đó, các doanh nghiệp cần lập kế hoạch đối phó khả năng chi phí cao nhất, thời gian vận chuyển dài nhất và thời gian rảnh rỗi lâu nhất. 

Để giảm chi phí phát sinh và bảo đảm chuỗi cung ứng thông suốt, các nước đã tăng cường hợp tác song phương và liên kết khu vực. Trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) vừa qua, hai nước nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại về chuỗi cung ứng và thương mại. Hai bên chia sẻ quan điểm, sự bất ổn hiện nay trong chuỗi giá trị toàn cầu truyền thống không thể được giải quyết thông qua nỗ lực của một quốc gia và sự hợp tác giữa các quốc gia đối tác là rất quan trọng.

Trước đó, các nước thành viên ASEAN đã nhất trí tìm kiếm phương thức nhằm đẩy mạnh chuỗi cung ứng trong Hiệp hội. Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Singapore Gan Kim Yong đề xuất 3 lĩnh vực chủ chốt mà các nước ASEAN có thể tập trung cùng thúc đẩy để hồi phục kinh tế, tăng cường chuỗi cung ứng khu vực và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do của ASEAN. 

ASEAN đang xúc tiến gia hạn các biện pháp phi thuế quan đối với hàng hóa thiết yếu trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch Covid-19, đồng thời mở rộng danh mục hàng thiết yếu của ASEAN. Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng đẩy nhanh nối lại hoạt động đi lại trong khu vực một cách an toàn.  

Đại dịch Covid-19 đã tạm thời lắng xuống, nhưng những “vết thương sâu” đối với chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa thể hàn gắn trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và căng thẳng địa chính trị nghiêm trọng tại châu Âu. Để đưa hoạt động logistics toàn cầu sớm trở lại trạng thái bình thường, các quốc gia cần tiếp tục đoàn kết thực hiện hiệu quả biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19; đồng thời “hạ nhiệt” cuộc chiến ở Ukraine và nhanh chóng thực thi các giải pháp thúc đẩy lưu thông hàng hóa trên toàn cầu.